Hoàng Hạnh Thứ Hai | 25/12/2017 08:30

Hậu Sabeco và tiến trình cổ phần hóa

Hơn 110.000 tỉ đồng thu về từ việc bán 53,39% vốn điều lệ của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Thai Beverage lên tiếng sau khi mua Sabeco

Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là một kết quả đáng mong đợi, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay trong hoạt động thoái vốn nhà nước và gần bằng một nửa số tiền mà Việt Nam phải trả nợ nước ngoài cả gốc và lãi năm 2017. Nhưng không phải không có những suy nghĩ khác.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, là một trong những người đầu tiên lên tiếng về việc phải nhanh chóng cổ phần hóa những “con gà đẻ trứng vàng” như Sabeco, Habeco hay Vinamilk và bán theo gói để thu hút được nhà đầu tư nghiêm túc, tiềm năng và bán giá cao.

Vì thế, sau kết quả của thương vụ Sabeco, ông đã không giấu được nụ cười và có cả sự lạc quan khi trao đổi với NCĐT: “Trong thương vụ này, chỉ một nhà đầu tư tham gia đấu giá. Nhưng họ quyết tâm theo đuổi, chấp nhận giá cao để đạt được mục tiêu nắm cổ phần chi phối Sabeco. Cũng có những lo ngại về việc tỉ phú người Thái thâu tóm doanh nghiệp Việt. Nhưng ở đây, họ muốn mua thương hiệu Việt để kế thừa và phát triển hơn, phục vụ thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam. Sẽ khó có chuyện doanh nghiệp ngoại mua rồi xóa sổ thương hiệu Việt”.

Nhận định của vị chuyên gia đã được chứng thực khi thỏa thuận giữ nguyên thương hiệu Sabeco đã được Bộ Công Thương công bố. Tuy nhiên, điều này cũng chưa khiến những người luôn đau đáu chờ đợi sự xuất hiện và lớn mạnh của thương hiệu Việt yên lòng. Bởi lẽ, dù chiếc áo vẫn mang tên thương hiệu Việt, việc quản lý, điều hành... và quan trọng hơn là lợi nhuận chẳng thể ở lại Việt Nam. Sẽ chẳng khác gì nhiều việc Việt Nam xuất khẩu điện thoại hàng tỉ USD mang nhãn “Made in Vietnam” thực chất chỉ là phận gia công.

Chính từ băn khoăn nói trên, khuyến nghị về chính sách bán cổ phần để nhà đầu tư nội có cơ hội rộng mở tiếp quản những doanh nghiệp đang làm ăn có lãi đã được cân lên đặt xuống nhiều lần. Nếu có thể loại trừ những khuất tất, gian dối, thiếu minh bạch, vốn là điểm nghẽn của nền kinh tế Việt Nam từ trước tới nay, phương án nói trên rất có thể sẽ khả thi. Chỉ có điều, không thể trong nháy mắt thay đổi những sự xấu xí ấy, mong muốn “gà đẻ trứng vàng” vẫn là gà nhà khó có thể thành hiện thực.

Và khả năng dễ xảy ra hơn lại là có ai đó nhân danh chiếc áo thương hiệu Việt, trì hoãn cổ phần hóa để đạt lợi ích riêng. Thất thoát sẽ thuộc về Nhà nước, hay chính là người dân gánh chịu. Chỉ có 2 phương án để lựa chọn. Một là Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối, nhưng khi cách thức quản lý chưa đổi mới, doanh nghiệp sẽ ngày càng làm ăn kém hiệu quả. Hai là bán giá cao cho nhà đầu tư nước ngoài.

“Bài học cổ phần hóa Mobifone chưa hề cũ. Dù có danh sách cổ phần hóa từ những năm 2004, việc này không được thực hiện nghiêm túc. Sau hơn chục năm, Mobifone không còn giữ được phong độ của mình, đồng nghĩa, giá trị của doanh nghiệp bị giảm sút”, ông Nguyễn Hoàng Hải phân tích.

Một kịch bản thất thoát khác được vị chuyên gia này lưu ý là việc sử dụng nguồn tiền từ cổ phần hóa. Chỉ nhìn bằng mắt thường, có thể thấy các bộ ngành, địa phương, chi tiêu công lãng phí mà không đem lại nhiều hiệu quả. Nếu nguồn tiền cổ phần hóa được tính thành một khoản thu thông thường của ngân sách, “phần tài nguyên quốc gia” này sẽ khó được chắt chiu, trân trọng.

Vì vậy, ông đề xuất, nên ghi sổ khoản thu từ bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp thành một khoản riêng, được sử dụng cho các mục tiêu trọng điểm của quốc gia, dưới sự giám sát của Quốc hội. Ông Hải khẳng định: “Nhu cầu mua vốn từ doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa vẫn còn nhiều, số lượng doanh nghiệp sẽ thực hiện bán phần vốn nhà nước lớn. Như vậy, nguồn tiền thu về tương đối dồi dào. Nên để riêng nguồn tiền này dành cho đầu tư phát triển”.

Hau Sabeco va tien trinh co phan hoa
 

Đã có nhiều hy vọng rằng, những thương vụ như Sabeco hay Vinamilk sẽ là lực đẩy của quá trình rút vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp, trả nền kinh tế về cho thị trường. Cổ phần hóa sẽ giúp các doanh nghiệp gốc nhà nước thay đổi tư duy, cách quản trị để gia tăng cạnh tranh. Mặc dù vậy, chia sẻ tín hiệu tích cực từ việc đấu giá thành công số cổ phần Sabeco, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vẫn chỉ ra điều chưa được tính tới.Vị chuyên gia phân tích, trước khi quyết định đầu tư, người mua đã phải nắm được thông tin, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp từ trước tới nay, đánh giá hiệu quả kinh doanh và khả năng sinh lời trong tương lai.

Nghĩa là họ phải nhìn ra rằng, họ có cách điều hành doanh nghiệp, cải tổ hoạt động sản xuất kinh doanh để mang lại lợi nhuận tối đa, bù đắp cho khoản đầu tư. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh để thực hiện được các ý đồ nói trên mới là điều quyết định. Đây là yếu tố gây trở ngại nhất, không phải là bí mật nhưng lại là thách đố của nền kinh tế Việt Nam.

Tồn tại những lo lắng trên bởi Việt Nam chưa có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Nếu thị trường vốn, tín dụng, những quy luật về năng suất, lợi nhuận, tiết kiệm... của hoạt động kinh doanh chưa được vận hành và tuân thủ, những cải tổ, đổi mới khó có thể thực hiện được. “Vì vậy, bán được phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp thì cũng mừng. Đây là cơ hội để đổi mới với điều kiện ông chủ tài ba, có năng lực kinh doanh tốt hơn. Nhưng có thi triển được không lại là do sân chơi. Điều này mới đáng băn khoăn”, vị chuyên gia phân tích. Khi doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn cách thức mềm dẻo, hài hòa được lợi ích của phía quản lý và doanh nghiệp, sẽ không có những tác động tích cực giúp nền kinh tế vận hành đúng theo quy luật, mà nhiều khả năng, nó có thể còn méo mó hơn.

Ông Lê Cao Đoàn chỉ rõ: “Có luật thành văn, có luật... chìm. Những người được ưu tiên được dùng luật chìm khiến đa số các doanh nghiệp còn lại khó có thể tồn tại. Số thắng sẽ rất ít, số bại rất lớn. Và quan trọng hơn, nền kinh tế khó có thể có một viễn cảnh sáng sủa, lành mạnh”.