Trung Nguyên sẽ kinh doanh ra sao trong thời gian tới. Nguồn ảnh: Ảnh: tienphong.vn
Hậu ly hôn: Ông Vũ và bà Thảo sở hữu tài sản trị giá bao nhiêu?
Theo đó, khối tài sản chung không gồm bất động sản của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ được phân chia theo tỉ lệ tương ứng 4:6, bao gồm số cổ phần tại các công ty trong tập đoàn Trung Nguyên, tiền mặt, vàng sở hữu chung lên đến 7.502 tỉ đồng.
Ngoài Hiện bà Thảo đang đứng tên (chung và riêng) 26 bất động sản. Trong đó có 13 bất động sản sẽ được chia đôi, ông Vũ sở hữu 6 (trị giá hơn 350 tỉ đồng) và bà Thảo sở hữu 7 bất động sản (trị giá hơn 375 tỉ đồng).
Theo kết luận của Hội đồng xét xử (HĐXX), ông Vũ và gia đình đã sáng lập ra cà phê Trung Nguyên (nay là Tập đoàn Trung Nguyên) vào năm 1996 bằng tiền bán 2 căn nhà của bố mẹ và số tiền ông Vũ vay mượn.
Năm 1998, ông Vũ mới kết hôn với bà Thảo. Nhưng phải đến 2012, bà Thảo mới bắt đầu góp vốn vào Trung Nguyên với tỉ lệ 10%. Trong suốt quá trình thành lập và phát triển Trung Nguyên, ông Vũ luôn có tỉ lệ góp vốn nhiều hơn bà Thảo. Đây là mấu chốt để ông Vũ được chia cổ phần với tỉ lệ cao hơn bà Thảo.
Như vậy, ông Vũ sẽ được chia 60% cổ phần của Tập đoàn Trung Nguyên, tương đương 4.502 tỉ đồng và 6 bất động sản trị giá hơn 350 tỉ đồng và khoản tiền chênh lệch bà Thảo phải hoàn trả lại ông Vũ 12,5 tỉ đồng. Như vậy, sau cuộc ly hôn ầm ĩ này, ông Vũ sẽ có khoản tài sản 4.864,5 tỉ đồng và quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên. Như vậy, ông Vũ cũng nằm trong nhóm tỉ phú giàu nhất Việt Nam.
Bà Thảo sẽ được sở hữu 3.000 tỉ đồng cộng với 7 bất động sản trị giá 375 tỉ đồng. Tổng tài sản, bà Thảo sở hữu khoảng 3.400 tỉ đồng. Tài sản này chưa bao gồm 13 bất động sản không chia mà bà Thảo đang đứng tên. Dựa theo giá trị tài sản bà Thảo đang sỡ hữu tại thời điểm này, bà thuộc nhóm 10 những phụ nữ có tài sản lớn nhất Việt Nam.
Một thực tế khá thú vị là khi nắm quyền tại Trung Nguyên, ông Vũ đang nắm giữ khối tài sản gần 6.100 tỉ đồng, và như vậy, theo phán quyết của tòa án, ông Vũ sẽ phải "xoay" khoản tiền mặt trị giá 1.200 tỉ đồng để trả lại cho bà Thảo.
Khi ồn ào ly hôn qua đi, tình hình kinh doanh của Trung Nguyên sẽ được nhiều người quan tâm, nhất là ở thời điểm hiện tại, ngành cà phê đang chậm lại.
Doanh thu thuần của Trung Nguyên trong 4 năm trở lại đây dao động quanh mức 3.800-4.000 tỉ đồng. Doanh thu không tăng trưởng có thể do sự chững lại nói chung của ngành kinh doanh cà phê. Lợi nhuận của Trung Nguyên tiếp tục suy giảm xuống còn lần lượt là 768 tỉ đồng và 681 tỉ đồng trong 2 năm 2016 và 2017. Trong tương lai, Trung Nguyên sẽ kinh doanh ra sao khi chỉ còn một mình ông Vũ?
Trả lời với báo giới, ông Vũ khẳng định ông có kế hoạch rõ ràng để phát triển Trung Nguyên theo xu hướng toàn cầu. Ông Vũ xác nhận đã tổ chức kỹ càng cho sự phát triển này và đã chuẩn bị tốt 4 giai đoạn, hiện đang giai đoạn 5 là tổ chức thực thi, đào tạo đội ngũ đủ năng lực, đưa Trung Nguyên cất cánh theo tính toán của ông.