Hậu cổ phần hóa và nỗi lo “mất vốn” nhà nước
Thông báo mới đây của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) cho thấy, công ty này đã nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 3 doanh nghiệp thuộc Bộ Y tế về SCIC. Theo đánh giá của các chuyên gia, động thái này có thể giúp chấm dứt những lùm xùm liên quan đến “mất vốn” nhà nước từ Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam - CTCP (Vinamed).
Lo “mất vốn” nhà nước
Tháng 9/2017, việc sáp nhập Mediplast – Công ty cổ phần Nhựa Y tế vào Vinamed – Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP chính thức hoàn tất, đánh dấu một bước phát triển mới cho cả 2 doanh nghiệp này. Tuy nhiên, quan ngại “mất vốn” nhà nước tại Vinamed, bà Lê Thị Minh Châu, một trong 10 cổ đông nhỏ của Vinamed, đã kiến nghị Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra và làm rõ kiến nghị của bà Châu.
Theo bà Châu, việc Hội đồng quản trị Vinamed bán 45,5% vốn điều lệ của Mediplast và bán hết 9% vốn tại Danameco là vi phạm Nghị định số 91/2015 của Chính phủ. Ngoài ra, việc sáp nhập Mediplast vào Vinamed làm giảm tỷ lệ sở hữu vốn của nhà nước tại Vinamed từ 20% xuống 14%, trái với Quyết định số 2265/QĐ-TTg ngày 15/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án cổ phần hóa Vinamed.
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Văn Mạo, Tổng giám đốc Vinamed khẳng định, việc chuyển nhượng cổ phần của Vinamed tại Mediplast không vi phạm việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp. Theo ông, quá trình sáp nhập Công ty cổ phần Nhựa y tế Mediplast vào Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt nam - CTCP đã thực hiện đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và Điều lệ Tổ chức Hoạt động của 2 doanh nghiệp.
Nhà máy Mediplast sẽ trở thành một nhánh hoạt động của VINAMED sau khi sáp nhập |
Luật sư Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty luật IPIC cho biết, tại thời điểm Vinamed chuyển nhượng 750.000 cổ phần thuộc sở hữu của mình tại Mediplast, Vinamed là công ty cổ phần mà nhà nước sở hữu 20% vốn điều lệ nên Vinamed không phải Công ty nhà nước theo quy đinh tại khoản 2 điều 2 nghị định 91/2015/NĐ-CP hoặc khoản 8 điều 4 Luật doanh nghiệp 2014. Do đó, không thể áp dụng các nguyên tắc, phương thức quy định tại điều 38 nghị định 91/2015/NĐ-CP chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Thay vào đó, việc chuyển nhượng cổ phần của Vinamed tại Mediplast cần được sự chấp thuận của Hội đồng quản trị Vinamed theo điều 162 Luật doanh nghiệp 2014 và thực hiện thủ tục chuyển nhương theo điều 126 Luật doanh nghiệp 2014. Qua kiểm tra hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và các nghị quyết của Hội đồng quản tri về việc chuyển nhượng cổ phần của Vinamed tại Mediplast, IPIC nhận định việc chuyển nhượng số cổ phần trên của Vinamed đã đảm bảo tuân thủ tất cả các trình tự thủ tục theo các quy định kể trên.
Về việc giảm tỷ lệ sở hữu phần vốn nhà nước khi sáp nhập Mediplast vào Vinamed, Luật sư Nguyễn Duy Hùng cho hay, theo quyết định số 2265/QĐ-Ttg ngày 15/12/2015/TT-BTC của Thủ tướng chính phủ, cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu: nhà nước nắm giữ 1.760.000 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ. Sau khi sáp nhập, nhà nước vẫn nắm giữ 1.760.000 cổ phần. Việc giảm tỷ lệ phần vốn nhà nước tại Vinamed còn 14% là do sau khi sáp nhập vốn điều lệ của Vinamed tăng từ 88 tỷ đồng lên thành hơn 125 tỷ đồng. Đồng thời tổng giá trị tài sản của Vinamed cũng tăng lên do được cộng thêm phần tài sản của Mediplast sau sáp nhập.
Cổ phần hóa: không chỉ bán giá cao hay thấp
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, trong trường hợp của Vinamed, không thể yêu cầu doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải giữ tỷ lệ 20% cổ phần nhà nước. Bởi Vinamed và Mediplast không còn là doanh nghiệp nhà nước, nên việc giữ lại tỷ lệ vốn nhà nước bao nhiêu sau cổ phần hóa thuộc quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem), cho rằng, về nguyên tắc, các doanh nghiệp đã hoàn tất cổ phần hóa, Nhà nước không cần nắm giữ vốn, không cần chi phối. Các công ty này đã hoạt động theo hình thức cổ phần nên việc thoái vốn sẽ thuận lợi. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ vốn Nhà nước chỉ từ 15-20%, nếu bán đi, không cần thủ tục định giá hay yêu cầu kỹ thuật, mà hoàn toàn thực hiện theo giá thị trường. Điều này, sẽ tạo cú huých cho thị trường trong bối cảnh cổ phần hóa chậm tiến độ. Ông Cung tin rằng các dòng vốn sẽ đổ vào đây, Nhà nước sẽ thu được khoản tiền đáng kể dành cho đầu tư phát triển.
Còn theo GS-TS. Nguyễn Quang Thái - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam, mục đích của cổ phần hóa là chuyển đổi sở hữu, có thể tạo điều kiện để nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, không phải chỉ là bán giá cao hay thấp. Trong bối cảnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có tiến độ chậm, “có nhiều việc phải làm” để xốc lại tinh thần cho các nhà đầu tư đã và đang tham gia vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
“Việc Nhà nước giảm mạnh tỷ lệ sở hữu vốn trong DNNN đã cổ phần hóa cũng làm tăng tính hấp dẫn. Nhưng cổ phần hóa mới là khởi đầu của quá trình dài hạn cải cách doanh nghiệp nhà nước, bước quan trọng hơn là một kế hoạch cụ thể để tăng cường chất lượng quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế. Bởi vì, nhà đầu tư sẽ mua giá trị tương lai, thay vì phải mua "đống sắt vụn". Hiện, ngay các doanh nghiệp sáng giá như Vinamilk hay Sabeco cũng có những phần tài sản "kém chất lượng", không phải tất cả là "hảo hạng"” – GS Thái nhận xét.
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đã nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 3 doanh nghiệp thuộc Bộ Y tế, gồm có Vinamed, CTCP Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang (Biopharco), CTCP Dược khoa (DK Pharma). Vinamed được thành lập 1985 hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, phân phối thiết bị và vật tư y tế, cung cấp giải pháp IT trong y tế… với vốn điều lệ là 88 tỷ đồng, giá trị phần vốn chuyển đổi về SCIC là 17,6 tỷ đồng. |