Harvard chật vật với quỹ hiến tặng
Ban đầu, Eric Mindich giống như loại mối quan hệ mà Đại học Harvard cần khai thác. Ông tốt nghiệp Harvard vào năm 1988 với bằng kinh tế học và sau đó làm việc cho Goldman Sachs Group. Vào năm 1994, ở tuổi 27, Mindich đã trở thành người trẻ nhất được xem là đối tác tại Goldman. Thành tích này đã giúp ông có được vị trí danh giá trong Hội đồng Quản trị của Harvard Management Co., đơn vị giám sát quỹ hiến tặng của Trường Harvard. Vào những năm 2000, khi ông rời công ty để thành lập một quỹ đầu cơ, Trường Harvard đã đầu tư 500 triệu USD vào quỹ này, thương vụ quỹ đầu cơ lớn nhất lúc bấy giờ. Sau đó, Mindich đã hồi đáp ân tình của Trường khi tặng 15 triệu USD học bổng cho sinh viên.
Khoản đầu tư ban đầu của Harvard đã giúp Mindich huy động 3,5 tỉ USD vào năm 2004, startup quỹ đầu cơ lớn nhất vào lúc đó. Tình hình đầu tư khả quan đã giúp Quỹ bành trướng lên đến 14 tỉ USD vào năm 2011. Tuy nhiên, cũng năm đó, các khoản thua lỗ đã khiến nhà đầu tư bắt đầu rút tiền ra.
Năm ngoái là một thảm họa. Trong khi chỉ số chứng khoán S&P 500 tạo ra mức lợi nhuận gần 12% thì quỹ chính của Mindich đã lỗ 9,4%, một phần do canh bạc đặt cược không đúng chỗ vào các cổ phiếu Nhật, theo các nguồn tin thân cận với vụ việc. Khi thị trường tăng trưởng mạnh vào năm nay, quỹ này vẫn cứ ì ạch. Giá trị tài sản được quản lý đã giảm còn khoảng 7 tỉ USD. Phát ngôn viên cho Mindich từ chối bình luận.
Vào tháng 1 năm nay, quỹ hiến tặng Trường Harvard đã gửi thông báo yêu cầu rút tiền khỏi công ty đầu tư của Mindich - Eton Park Capital Management, theo những nguồn tin thân cận. Những người này không nói số tiền Harvard rút ra là bao nhiêu nhưng cho biết Trường vẫn còn giữ một số cổ phần tại đây. Vào ngày 23.3.2017, Mindich tuyên bố đóng quỹ và trả lại vốn cho các nhà đầu tư còn lại.
Laurence Siegel, từng phụ trách mảng nghiên cứu tại Ford Foundation, cho rằng sự thăng trầm của quỹ thuộc Mindich cho thấy Harvard cần giữ khoảng cách hơn với những nhà quản lý có mối quan hệ với Trường Đại học. Trong dài hạn, Siegel cho biết: “Những mối quan hệ này không thực sự tạo ra trái ngọt”.
Hiện tại, Harvard đang nỗ lực sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và danh mục đầu tư của quỹ hiến tặng. Và việc rút vốn khỏi công ty của Mindich là một phần trong nỗ lực đại tu quỹ hiến tặng lên tới 37,5 tỉ USD của Trường - quỹ hiến tặng lớn nhất trong số các trường đại học, đóng góp tới hơn 1/3 ngân sách hoạt động của Harvard trong năm tài chính gần nhất.
Giống như nhiều đối thủ khác, Harvard đã từ lâu hái quả ngọt từ các mối quan hệ tốt với các nhà quản lý tiền tệ trong số các giám đốc, nhân viên và nhà tài trợ cho quỹ. Tuy nhiên, mặc cho những mối quan hệ tốt ở Phố Wall, mức sinh lời của Harvard vẫn cứ ảm đạm. Trong thập niên qua, quỹ hiến tặng của Harvard đã báo cáo mức lợi nhuận trung bình hằng năm chỉ 5,7%, mức thấp thứ 2 trong số 8 trường đại học danh tiếng thuộc Ivy League.
Cuối năm ngoái, Hội đồng Quản trị của Harvard đã chỉ định vị CEO mới cho quỹ hiến tặng là N.P. “Narv” Narvekar, vốn có hơn 10 năm điều hành quỹ hiến tặng của Đại học Columbia. Ban quản trị yêu cầu tân CEO phải hành động nhanh chóng, theo một người thân cận với vụ việc. Trong 6 tháng đầu tiên, Narvekar đã tìm cách cắt một số khoản đầu tư, từ vốn đầu tư cổ phần tư nhân cho đến bất động sản, tài nguyên thiên nhiên. Ông cũng lên kế hoạch giảm mạnh số nhân viên 230 người vào cuối năm nay và chuyển nhiều tài sản hơn sang các nhà quản lý quỹ bên ngoài. Harvard từ chối bình luận.
Dưới thời của Narvekar, Columbia thường tìm kiếm và đầu tư vào các quỹ sử dụng các chiến lược định lượng khá khó hiểu. Ngược lại, Harvard có xu hướng gửi tiền cho các nhà quản lý tiền tệ ngôi sao mà nhiều người trong số đó đã làm việc cho quỹ hiến tặng từ thập niên 1990.
Khi trở thành CEO tại đây, Narvekar đã đưa vào một đội ngũ hoàn toàn mới, tuyển dụng 3 người từng làm việc cho ông ở quỹ hiến tặng Columbia và một Giám đốc Đầu tư mà ông quen biết từ những ngày còn ở Trường Đại học Pennsylvania. Được biết, Columbia đã kiếm về mức sinh lời trung bình 8,1% trong thập niên vừa qua, đưa nó trở thành một trong những quỹ hàng đầu trong nhóm Ivy League.
Hiện tại Harvard cũng đang nỗ lực bán khoảng 2,5 tỉ USD giá trị vốn đầu tư cổ phần tư nhân, bất động sản và các khoản nắm giữ vốn đầu tư mạo hiểm, theo một người thân cận với vụ việc. Chẳng hạn, số cổ phần Harvard có trong Kleiner Perkins Caufield & Byers đã nằm trong danh sách gửi đến cho những người mua tiềm năng. Harvard cũng đang tìm cách “xén” 4 tỉ USD giá trị đất rừng và các tài nguyên thiên nhiên khác mà nó sở hữu trực tiếp trong đó có vài ngàn con bò ở New Zealand. Một nguồn tin thân cận cho biết Tập đoàn KKR sắp sửa mua khoảng 8.500 mẫu trang trại sữa và 5.500 con bò ở New Zealand với giá hơn 70 triệu USD, nhưng thương vụ này còn đang chờ sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Harvard cũng đã bắt đầu thanh lý danh mục đầu tư (do người trong nội bộ quản lý) gồm các quỹ đầu cơ trái phiếu và cổ phiếu, vốn được giám sát bởi Giám đốc Điều hành Rene Canezin.
Narvekar cũng đang tìm một số nhà quản lý thành công từng có mối quan hệ với Harvard. Chẳng hạn, ông cam kết chuyển 400 triệu USD sang cho TPRV Capital, một quỹ đầu cơ được thành lập vào năm nay bởi 2 nhà quản lý quỹ hiến tặng đã ra đi là Graig Fantuzzi và Michele Toscani.
Rõ ràng, có nhiều việc Narvekar phải làm để giúp quỹ hiến tặng Harvard lội ngược dòng. Sức ép hiện tại đang rất lớn. Sau mức lỗ của năm tài chính 2016, tờ báo sinh viên Harvard Crimson đã chạy một bài viết nói rằng kết quả kinh doanh của quỹ là “không thể chấp nhận được”.
Nguồn Bloomberg