Hạ tầng giao thông TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa

 
Don Lam (*) Thứ Ba | 14/07/2020 08:00

Hấp lực FDI chất lượng cao

Chính phủ Việt Nam có thể làm gì để thúc đẩy các cơ hội đang đến ngày càng rõ ràng?

Các chuyên gia công nghiệp thế giới cho rằng khoảng 20% năng lực sản xuất sẽ được chuyển dịch khỏi Trung Quốc sang các nước khác trong năm tới. Rõ ràng, không phải toàn bộ dòng dịch chuyển này sẽ đổ vào Việt Nam nhưng chúng ta có thể thu hút những khoản vốn FDI chất lượng cao dựa trên rất nhiều ưu thế như chi phí và chất lượng lao động; thành tựu lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh; thứ hạng tốt trong các phương thức đánh giá mà doanh nghiệp nước ngoài thực hiện khi cân nhắc thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất ở nước ngoài...

Phải hấp dẫn hơn nữa!
Có rất nhiều yếu tố mà Chính phủ có thể cân nhắc thực hiện để Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn nữa trong việc thu hút thêm nguồn vốn FDI. Một trong số đó là đẩy nhanh tiến độ phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng do chi phí hậu cần của Việt Nam vẫn luôn nằm trong top cao nhất khu vực. Xây dựng cảng nước sâu bên cạnh các khu công nghiệp sẽ giúp giải quyết bài toán về nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu thành phẩm. Bên cạnh đó là phát triển các tuyến đường vành đai hợp lý xung quanh TP.HCM và Hà Nội.

Nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đang giải ngân để đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng. Các dự án này cùng những giải pháp khác sẽ hỗ trợ Việt Nam thăng hạng trong chỉ số năng lực quốc gia về kho vận của World Bank (hiện nay Việt Nam xếp thứ 45).
Trong một nghiên cứu mới đây của World Bank về tính thuận lợi cho kinh doanh, Việt Nam xếp hạng thứ 70, đứng trên Indonesia và Philippines, nhưng xếp sau Malaysia và Thái Lan.
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi và đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Trước mắt, nên tập trung cải thiện thủ tục hành chính liên quan tới việc thành lập công ty, cấp giấy phép, chi trả thuế.

 


Về lâu dài, Chính phủ có thể cân nhắc một số đề xuất để giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Nên có một cơ quan xúc tiến đầu tư độc lập, phụ trách việc chủ động và linh hoạt quảng bá Việt Nam như là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI trên toàn thế giới. Chúng ta sẽ chủ động chọn dòng vốn phù hợp thay vì ngồi đợi các khoản đầu tư đến Việt Nam.
Đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, phát triển, nâng cấp các trường đại học chuyên ngành kỹ thuật, tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao để phục vụ việc sản xuất sản phẩm phức tạp hay cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao. Chiến lược này đã rất thành công ở Trung Quốc. Cuối cùng, Chính phủ có thể cân nhắc xúc tiến việc hình thành cụm công nghiệp xung quanh các khu vực tiềm năng.
Phát triển cụm ngành công nghiệp là phát kiến của một giáo sư nổi tiếng thuộc Trường Kinh doanh Harvard. Cụm ngành công nghiệp thường là một thành phố hay một khu vực bao gồm các nhà sản xuất, đơn vị cung ứng cùng với các trường đại học, viện nghiên cứu có liên quan chặt chẽ với nhau.
Ví dụ điển hình nhất cho phát kiến này là Thung lũng Silicon. Hay như mô hình Boston, ngành công nghiệp dược sinh học được xây dựng quanh các trường đại học và bệnh viện nổi tiếng của thành phố. Tại đây có rất nhiều công ty trong ngành từ sản xuất các loại thuốc đến trang thiết bị y tế... cung cấp khắp thế giới.
Chiến lược cụm công nghiệp sẽ tạo ra lợi ích kép, vừa tối đa hóa vốn FDI, vừa củng cố niềm tin của doanh nghiệp để định vị sản xuất giá trị gia tăng cao hơn ngay tại quốc gia đó. Việt Nam hiện là quốc gia tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do nhất so với các quốc gia khác trên thế giới. Việt Nam vẫn đang đàm phán để tham gia vào một số hiệp định nữa. Những thỏa thuận này là minh chứng rõ nhất thể hiện mong muốn hội nhập về mặt kinh tế của Việt Nam với thế giới.
Cuối cùng là vấn đề về thuế. Thông thường, các quốc gia thường áp dụng nhiều ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư. Thực tế, ưu đãi thuế quá lớn không phải là điều quan trọng nhất để Việt Nam tiếp tục đạt được thành công trong việc thu hút vốn FDI. Nguồn thu từ thuế có thể được sử dụng để phát triển hạ tầng, giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
Dịch chuyển theo chuỗi cung ứng toàn cầu
Các công ty đa quốc gia đang cân nhắc việc dịch chuyển một số cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Họ nhận ra sự cần thiết của việc đa dạng hóa nguồn cung ứng. Trong đó có một số công ty được dự đoán sẽ chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam, một quốc gia với chi phí lao động thấp hơn, vị trí địa lý gần với các nguồn cung ứng châu Á và không bị kéo vào thương chiến Mỹ - Trung.

Nhưng để thực sự mở rộng chuỗi cung ứng của mình, các công ty này cần đảm bảo họ có thể tìm được nguồn cung ứng tiềm năng từ một loạt nhà cung ứng khác nhau và điều này sẽ có lợi cho Việt Nam. Khi doanh nghiệp nước ngoài phát triển được chuỗi cung ứng của họ tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp trong nước cũng sẽ hưởng lợi.
Đầu tiên là việc chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm. Nghiên cứu của Viện Brookings chỉ ra rằng: “Công nghệ sản xuất tiên tiến, kinh nghiệm quản lý và thực tiễn làm việc sẽ được chuyển giao từ các công ty FDI sang các công ty trong nước”, nâng cao hiệu suất của lực lượng sản xuất địa phương. Đổi lại, các doanh nghiệp địa phương sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh để giành được những cơ hội hợp tác tiềm năng với khối doanh nghiệp FDI.

Những hình thức phát triển này đã sớm được hình thành, cả ở Trung Quốc và các quốc gia khác, từ những năm đầu thế kỷ XX. Đây cũng là thực tế đã xảy ra ở Trung Quốc giai đoạn trước đây và chúng tôi tin điều này cũng sẽ xảy ra ở Việt Nam với một cấp độ nhất định.

 


Chính phủ Việt Nam có thể làm gì để thúc đẩy lợi ích lan tỏa như trên? Họ có thể tham khảo cách thức mà Chính phủ Singapore đã thực hiện cách đây hơn 30 năm. Trước đó, Singapore đã nhanh chóng phát triển lĩnh vực sản xuất. Các công ty đa quốc gia tìm cách đầu tư vào Singapore đã phát hiện ra rằng 90% nhà cung cấp địa phương không thể đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của họ, trong khi 80% không thể giao hàng như dự kiến.
Để giải quyết vấn đề này, cũng như những tình huống phát sinh, Chính phủ Singapore đã thành lập một chương trình nâng cấp công nghiệp quốc gia, Chính phủ và các công ty nước ngoài ngồi lại với nhau cùng tìm cách tăng cường sự kết nối với các doanh nghiệp trong nước. Theo đó, đã có nhiều chương trình hợp tác được thực hiện, giúp tăng hiệu suất của nhà cung ứng lên 17% và giá trị gia tăng trên đầu công việc tăng 14%. 
Ireland cũng triển khai một chương trình tương tự vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, giúp tăng hiệu suất lên tới 36% và doanh thu tăng vọt tới 83%. Việt Nam cũng có thể làm điều tương tự, với những chiến lược được thiết kế phù hợp với môi trường và tình hình của đất nước.