Thứ Hai | 21/01/2013 08:05

"Hấp dẫn khối ngoại, không chỉ từ nới room"

Theo TS. Nguyễn Sơn, việc hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài một phần do thị trường đã xuống khá thấp, đặc biệt là nhóm cổ phiếu những ngành hàng tốt.
Trong 8 nhóm giải pháp mà Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán vừa công bố nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, bên cạnh nhóm các giải pháp cấp bách có hiệu lực ngay như nới biên độ, nâng tỷ lệ ký quỹ và giảm phí giao dịch..., nới room cho nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy cổ phần hoá gắn với niêm yết đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm.

Trong cuộc trao đổi dưới đây, TS. Nguyễn Sơn – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã có những chia sẻ cụ thể hơn về hai nội dung quan trọng này.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian gần đây và một trong những lý do được thị trường nhắc đến là thông tin về việc xem xét nới room nước ngoài mà Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán đã trình Thủ tướng Chính phủ. Ở góc độ chuyên môn, ông có đồng tình không?

Trước thông tin về việc cơ quan quản lý xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ hướng điều chỉnh về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài theo hướng nới lỏng, nhà đầu tư nước ngoài đã có những tín hiệu gia tăng dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, theo tôi việc hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đến từ việc nới room mà có nhiều lý do; như thị trường đã xuống khá thấp, đặc biệt là nhóm cổ phiếu của những ngành hàng tốt, được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm (sữa; dược phẩm; nhựa...); dòng tiền đầu tư gián tiếp vào Việt Nam tăng mạnh vào những tháng cuối năm, trong đó đặc biệt là gián tiếp thông qua các thương vụ M&A lớn của nhóm ngành ngân hàng (ước tính khoảng 1,6 tỷ USD cả năm 2012); những động thái của Chính phủ trong việc quyết tâm IPO những doanh nghiệp lớn trong năm 2013 và chính sách thoái vốn khỏi những lĩnh vực đầu tư chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng kích thích dòng vốn đầu tư ngoại chảy vào.

Và cuối cùng, những động thái của cơ quan quản lý nhà nước về nới lỏng sở hữu nước ngoài đối với các công ty niêm yết cũng như cho phép các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài sở hữu 100% công ty chứng khoán trong nước theo cam kết hội nhập cũng đã thu hút được cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Trong đó, phải kể đến khả năng cho phép nhà đầu tư nước ngoài sỡ hữu trên 49% đối với công ty đại chúng với loại cổ phiếu không tham gia biểu quyết (non- voting share) và dự kiến cơ quan quản lý lựa chọn báo cáo Thủ tướng Chính phủ thí điểm cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 49% cổ phiếu có quyền biểu quyết một số loại hình công ty niêm yết không thuộc lĩnh vực nhạy cảm đã hết room nước ngoài cũng tạo sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với nới room nước ngoài, giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa gắn với niêm yết và kế hoạch thoái vốn của doanh nghiệpnhà nước sẽ được thực hiện ra sao?

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường vốn mà còn nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, theo đó có 4 nội dung chính sửa đổi.

Thứ nhất, chỉ áp dụng kiểm toán nhà nước đối với các doanh nghiệp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Thứ hai, xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp. Thứ ba, xem xét về đối chiếu toàn bộ công nợ khi xác định giá trị doanh nghiệp. Thứ tư, quy định tổ chức đấu thầu chọn tổ chức tư vấn định giá.

Những sửa đổi trên là động thái tích cực của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác cổ phần doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy doanh nghiệp cổ phần hóa đúng lộ trình. Bên cạnh đó, sự phát triển của thị trường chứng khoán tạo điều kiện thúc đẩy quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước.

Theo đánh giá chung, các doanh nghiệp niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán hoạt động có hiệu quả hơn và công khai, minh bạch hơn. Do vậy, nhiệm vụ trước mắt là định hướng cho các doanh nghiệp cổ phần hóa gắn với chào bán ra công chúng và đưa vào niêm yết, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn xây dựng lộ trình đưa cổ phiếu vào niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán, tạo hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, việc thúc đẩy cổ phần hóa, đặc biệt các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư. Các nhà đầu tư chiến lược phải nắm giữ 5 năm từ đó sẽ tạo nguồn vốn dài hạn, chuyển từ vốn đầu tư gián tiếp sang vốn đầu tư trực tiếp.

Bên cạnh đó, việc áp dụng phương pháp dựng sổ (book building) cho việc định giá doanh nghiệp cổ phần hóa là giải pháp phù hợp, bởi lẽ hiện nay phương pháp định giá theo phương thức đấu giá đã không còn phổ biến trên thế giới. Trên thực tế, các nhà đầu tư chiến lược phải nắm giữ lâu hơn và phải đưa công nghệ, danh tiếng và nguồn tiêu thụ sản phẩm nên giá phải ưu đãi hơn nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Nếu các giải pháp này được chấp thuận, thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh. Vậy vấn đề quản lý giám sát thị trường được đặt ra như thế nào, thưa ông?

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, đảm bảo thị trường phát triển ổn định, hiệu quả như: hoàn thiện trình Chính phủ ký ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; yêu cầu các công ty chứng khoán nghiêm túc thực hiện quy định quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng tách biệt với tiền của công ty chứng khoán theo quy định của pháp luật hiện hành; giám sát thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin đối với các tổ chức phát hành, niêm yết và các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm; giám sát hoạt động giao dịch, phòng ngừa và kịp thời phát hiện các hành vi giao dịch không công bằng, giao dịch nội gián, giao dịch thao túng giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trên thị trường chứng khoán.

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong việc xử lý các tổ chức có dấu hiệu hình sự.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện