Thứ Tư | 25/06/2014 21:54

Hành tây Đà Lạt 'thua' trên 'sân nhà'

Nhiều nhà vườn Đà Lạt và thương lái đang lao đao, bởi hàng ngàn tấn hành tây tích trữ chờ giá lên đã ở thời hạn cuối của chu kỳ dự trữ.
Hành bắt đầu vào giai đoạn đâm rễ trắng xóa và đang “đâm chồi nảy lộc”.

Các lão nông trồng hành ở TP Đà Lạt cho hay, thông thường hằng năm sau vụ thu hoạch, giá hành tây sẽ tăng gấp đôi, gấp ba. Vào mùa hành, đa số nhà vườn đều phơi cất lại chờ giá cao mới bán, mùa hành cũng là mùa “nhân tiền” của các thương lái, nhiều người đã bỏ hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mua hành tây về tích trữ.

Nhưng chưa bao giờ giá hành lại xuống thấp như năm nay, tệ hơn là không có đầu ra, người bán thì nhiều nhưng không có người mua, chỉ có đôi ba mối hàng mua lẻ tẻ với số lượng ít không đáng kể so với lượng hành hiện có ở Đà Lạt.

Theo chị Nguyễn Thị Trang ngụ tại phường 7 Thánh Mẫu (TP Đà Lạt), năm nay, mưa ẩm kéo dài, gây khó khăn cho bảo quản sau thu hoạch.

Bên cạnh số hành nảy mầm xanh rì phải đổ bỏ, hiện nay nhà vườn cũng như thương lái đang rất lo lắng, đứng ngồi không yên do lượng hành tích trữ bắt đầu đồng loạt ra rễ, nảy mầm lên cây.

Muốn giữ được số hành này thêm vài tuần nữa, bắt buộc phải thuê nhân công cắt mầm, cắt rễ rồi đem phơi nắng để vớt vát lại chút ít vốn liếng nhưng cũng vô cùng vất vả khó nhọc và lắm công phu, vì Đà Lạt vào mùa này hầu như ngày nào trời cũng mưa.

Theo tính toán của người dân, bình thường hành tích trữ tỷ lệ hao hụt khoảng 5%/tấn, nhưng năm nay tăng vọt lên trên 20 - 30%.

Hiện nhà vườn và người kinh doanh hành tây thua lỗ khoảng 2.000 - 2.500 đồng mỗi kg. Hiện nay giá chỉ còn 4.000 đồng/kg mà vẫn không bán được vì không có người mua, không có thị trường tiêu thụ.

Nguyên nhân do lượng hành tây Trung Quốc tràn lan thị trường với giá bán rẻ bèo làm cho hành tây Đà Lạt không tiêu thụ được. Tại chợ Đà Lạt, cứ một mẹt hành Đà Lạt lại có một mẹt hành Trung Quốc bày kèm, vỏ mỏng, củ tròn chắc, giá lại thấp hơn (chỉ 3.000 đồng/kg). Trong khi đó, hành Đà Lạt do gặp trời ẩm kéo dài nên hình thức xấu hơn, dù khi ăn có thể ngon ngọt hơn hẳn.

“Những năm trước, vào thời điểm này lượng hành tây tích trữ không còn bao nhiêu. Ai liều “cơ” đến tận bây giờ sẽ bán được giá rất cao, nhưng năm nay thì ngược lại, số lượng hành tây tồn đọng trong các hộ dân còn rất nhiều.

Riêng gia đình chị Trang trung bình mỗi năm trữ khoảng 70 đến 80 tấn hành nhà, những năm trúng đậm lên đến hàng trăm tấn.

Như mọi năm mùa này là mùa nhà vườn thu vào số tiền lớn nhất trong năm nhờ vào trữ hành, vì giá bán cuối vụ thường cao ít nhất cũng phải gấp ba lần so với lúc đang thu hoạch, nên ai nấy đều cất hành loại nhất vào kho chờ giá, nếu ngày mùa có bán thì chỉ bán đi những hành loại 2, loại 3…”- chị Trang tâm sự.

Nhiều kho hành bị ra rễ, lên cây.


Theo anh Trần Văn Hoàng phường 7 Thánh Mẫu (TP Đà Lạt), sắp tới nếu cứ tiếp tục không có người thu mua như hiện nay, thì số lượng hành tây nông dân phường 7 phải đổ bỏ rất lớn, vì vậy nhà nông Đà Lạt đang thấp thỏm từng giờ như ngồi trên đống lửa để chờ tin tức thị trường.

Hành lựa ra chuẩn bị mang đi đổ.


Hành tây là loại cây trồng "chiến lược'' dễ đem lại lợi nhuận cho nhà vườn Đà Lạt thì năm nay lại gặp những bất lợi như thế. Nhiều kho chứa hành tây ở Đà Lạt đang bốc mùi hôi do số lượng củ bị thối quá lớn. Sau vụ hành tây vừa rồi, không ít nhà vườn Đà Lạt và nhiều thương lái bị lỗ nặng gần như trắng tay.

Trước thực trạng hành tây Đà Lạt “thua” ngay trên “sân nhà”, người nông dân và các doanh nghiệp Việt, cần đầu tư hơn nữa cho công nghệ sau thu hoạch để bảo quản tốt hơn sản phẩm, đồng thời xúc tiến giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng.

Nguồn Báo Tin Tức


Sự kiện