Tọa đàm "Hạnh phúc đo lường tăng trưởng". Ảnh: Quý Hòa.
Hạnh phúc đo lường tăng trưởng
Nhiều nơi trên thế giới bắt đầu lấy chỉ số hạnh phúc làm thước đo tăng trưởng. Bhutan, một quốc gia Nam Á nằm kề bên dãy Himalaya, đã sử dụng chỉ số hạnh phúc (GNH) làm thước đo cho sự phát triển của quốc gia thay vì GDP.
Những năm gần đây, không ít doanh nghiệp Việt đã bắt đầu thiết lập phương thức quản trị và đo lường mới, dựa trên GNH của nhân viên để tăng trưởng bền vững. Có không ít nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ hài lòng và hạnh phúc của nhân viên có mối quan hệ mật thiết với năng suất lao động và mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp.
Là người dẫn dắt buổi Tọa đàm "Hạnh phúc đo lường tăng trưởng" do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức ngày 16/9, ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Tư vấn Quốc tế CIB cho hay, hiện nay trên thế giới đã có khái niệm về quốc gia hạnh phúc. Và trong quốc gia hạnh phúc, chúng ta suy nghĩ là nên có nhiều doanh nghiệp hạnh phúc, mỗi cá nhân, mỗi thành viên chúng ta hạnh phúc thì quốc gia đó mới hạnh phúc.
Nhân viên hạnh phúc, công ty tăng trưởng
Kết quả nghiên cứu của Trường Kinh doanh Queen’s và Gallup cho thấy người lao động không có sự gắn kết với công ty có tỉ lệ gặp tai nạn lên đến 49% và mắc nhiều sai sót trong công việc.
Trung tâm Nhân sự Canada cũng đưa ra cảnh báo, những người lao động không hài lòng đã khiến nền kinh tế Bắc Mỹ thiệt hại hơn 350 tỉ USD mỗi năm do năng suất giảm sút. Theo kết quả của một cuộc khảo sát do Talentnet thực hiện, nhân viên hạnh phúc sẽ ít nhảy việc và tăng hiệu suất làm việc ít nhất 12%.
“Nhân viên hài lòng và hạnh phúc sẽ có động lực phục vụ khách hàng tốt hơn. Nhân viên hạnh phúc thì khách hàng hạnh phúc, tiếp đến là doanh nghiệp hạnh phúc”, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối Nhân tài (Talentnet), khẳng định.
Trước khi theo đuổi mô hình doanh nghiệp hạnh phúc cách đây 5 năm, bà Vưu Lệ Quyên, Tổng Giám đốc của Biti’s, đã ý thức rõ 2 vấn đề lớn của Biti’s. Đó là thích ứng và thu hút thế hệ trẻ gia nhập đội ngũ công ty và thay đổi văn hóa “phải sợ mới làm” đã ăn sâu vào suy nghĩ của từng nhân viên.
“Một khi làm việc trong sợ hãi, hiệu suất công việc sẽ không cao. Tỉ lệ biến động nhân sự cũng cao. Vì làm bằng nỗi sợ nên mọi người không quan tâm đến kết quả chung. Từng bộ phận chỉ biết quyền lợi trong bộ phận của họ”, bà Quyên có cùng quan điểm với Tổng Giám đốc Talentnet.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, đồng sáng lập, Tổng Giám đốc Lãnh đạo và Văn hóa Công ty Newing, điểm chung của các doanh nghiệp chọn hạnh phúc làm chỉ số đo lường là đặt con người làm trọng tâm.
Trên thế giới, các công ty, tập đoàn đa quốc gia đã sớm thực hiện và chuẩn bị cho sự chuyển dịch này. Năm 2018, một chức danh công việc hoàn toàn mới - Giám đốc Hạnh phúc (Chief Happiness Officer - CHO) có hơn 1.000 đăng tuyển trên LinkedIn. Happy Coffee Consulting, công ty đặt trụ sở tại Anh Quốc, trong vài năm gần đây đào tạo hàng trăm nhân sự mỗi năm cho vị trí mới này mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ở Việt Nam, CHO là chức danh khá mới mẻ nhưng nội hàm của một doanh nghiệp hạnh phúc đã và đang được nhiều doanh nghiệp triển khai. Biti’s là đơn vị tiên phong khi triển khai một cách có hệ thống và hiệu quả chương trình Happy Biti’s từ năm 2018 đến nay. Mới đây, ABBank và Biti’s ký biên bản hỗ trợ đối tác chiến lược triển khai kỹ năng hạnh phúc trong cộng đồng doanh nghiệp và trên diện rộng khách hàng nhằm gia tăng hạnh phúc cộng đồng thông qua sản xuất, dịch vụ.
Tháng 4/2023, FPT công bố chiến lược DC5 với mong muốn trở thành tổ chức kiến tạo hạnh phúc trên quy mô 63.000 nhân viên. Trong khi đó, từ lâu Phúc Sinh đã xem việc mang lại hạnh phúc cho nhân viên là cốt lõi. “Chúng tôi làm trong lĩnh vực chế biến và bán các sản phẩm nông nghiệp, tức là làm dịch vụ. Sản phẩm của chúng tôi được bán sang 102 nước. Muốn mang đến cho khách hàng trải nghiệm 5 sao thì nhân viên trước hết phải có trải nghiệm 5 sao”, ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh, cho biết.
Đâu là nguyên nhân thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm đến hạnh phúc của nhân viên hơn trước đây? Bên cạnh các lợi ích đã đề cập, sự thay đổi về thế giới quan và nhân sinh quan sau đại dịch COVID-19 khiến nhân viên chú ý đến sức khỏe tinh thần nhiều hơn, từ đó dẫn đến sự điều chỉnh phương thức quản trị doanh nghiệp.
“Các công ty cố gắng khiến nhân viên cảm thấy vui vẻ, gắn kết bằng tiền thưởng, đồ ăn thức uống miễn phí, không gian làm việc hiện đại, đa năng... nhưng những điều này không khiến mọi người hạnh phúc tại nơi làm việc”, bà Sarah Metcalfe, CHO của Happy Coffee Consulting, cho biết.
Sâu xa hơn, doanh nghiệp quan tâm đến hạnh phúc của nhân viên bắt nguồn từ nghịch lý của xã hội hiện đại: càng dư thừa vật chất, con người càng ít thấy hạnh phúc.
Doanh nghiệp hạnh phúc: bắt đầu từ đâu?
Doanh nghiệp muốn hạnh phúc, trước hết, nhân viên phải hạnh phúc. Yếu tố tiên quyết để nhân viên hạnh phúc chính là lãnh đạo phải hạnh phúc. Chỉ khi có tầm nhìn dài hạn và bền vững về vai trò của chỉ số hạnh phúc trong việc tăng trưởng, người đứng đầu doanh nghiệp mới có thể hoạch định được các kế hoạch cụ thể, rõ ràng để đạt được mục tiêu.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT, cho rằng rất khó để định nghĩa hạnh phúc và trong từng bối cảnh, quy mô, khả năng tài chính, mỗi doanh nghiệp sẽ có cách tiếp cận hạnh phúc theo cách riêng. Lãnh đạo của các doanh nghiệp ở những lĩnh vực khác nhau như Biti’s, ABBank, Phúc Sinh, Talentnet... cũng tán đồng quan điểm này.
Chia sẻ tại Hội thảo “Hạnh phúc đo lường tăng trưởng” do NCĐT tổ chức vào ngày 16/9/2023, bà Tiêu Yến Trinh nhấn mạnh, một doanh nghiệp muốn bắt đầu triển khai mô hình hạnh phúc, trước tiên cần ý thức rõ vấn đề doanh nghiệp đang vướng mắc là gì, quy mô công ty đến đâu và khả năng tài chính như thế nào. “Nếu không có tài chính, không thể đầu tư cơ sở vật chất bền vững. Không bền vững thì sẽ không có hạnh phúc”, ông Thông cho biết và nhấn mạnh, tiềm lực tài chính đóng vai trò không thể thiếu. Nói như vậy không có nghĩa là doanh nghiệp ít tiềm lực kinh tế sẽ kém hạnh phúc hoặc không thể xây dựng được mô hình doanh nghiệp hạnh phúc, bền vững. Bà Nguyễn Thị Minh Giang nhận định, doanh nghiệp Việt vốn có nhiều tiềm năng đột phá. “Sự hòa hợp và đồng lòng có sẵn trong máu của người Việt. Chỉ cần người chủ doanh nghiệp khát khao mang đến sự gắn kết và sẻ chia với đội nhóm những giá trị hướng đến lợi ích chung của tập thể, của xã hội và tìm được hướng đi đúng đắn, chắc chắn doanh nghiệp sẽ bật lên”.
Từ việc học tập, thực chứng và xây dựng mô hình hạnh phúc cho Biti’s được truyền cảm hứng từ mô hình của Bhutan, bà Vưu Lệ Quyên chỉ ra rằng, trước khi theo đuổi mô hình hạnh phúc, doanh nghiệp cần để nhân viên thực hành kỹ năng hạnh phúc, điều mà theo bà, người Việt Nam vẫn đang rất thiếu.
Do đó, khi bắt đầu triển khai mô hình Happy Biti’s vào năm 2018, bà Quyên còn đồng thời triển khai dự án Happy Me nhằm tạo điều kiện cho nhân viên thực hành kỹ năng hạnh phúc. “Trong kỹ năng hạnh phúc có 3 kết nối gồm kết nối với bản thân, kết nối với người khác và kết nối với thiên nhiên. Chỉ khi hạnh phúc là của mình, con người mới sản sinh năng lực hạnh phúc, giúp họ đối diện với khó khăn, thử thách trong cuộc sống”, bà Quyên nói.
Một buổi thực hành kỹ năng hạnh phúc của nhân viên Biti’s. Ảnh: TL |
Đo lường hạnh phúc
Khi đã xây dựng tiêu chí, phương pháp luận rõ ràng, việc đo lường sự gắn kết, hài lòng và mức độ hạnh phúc của nhân viên với doanh nghiệp hoàn toàn trở nên dễ dàng. Các chỉ số này, theo bà Trinh của Talentnet, thường xoay quanh nhiều khía cạnh khác nhau, liên quan đến công việc, các mối quan hệ và chính sách của công ty.
Chẳng hạn, họ có hài lòng về sếp không, môi trường làm việc như thế nào, cơ hội phát triển cá nhân ra sao, tầm nhìn công ty, mối quan hệ đồng nghiệp, cách ghi nhận, tưởng thưởng nhân viên có phù hợp không, cách lãnh đạo chia sẻ lợi ích công ty đạt được như thế nào, chính sách đào tạo, lương bổng, phúc lợi ra sao, hoạt động cộng đồng, hoạt động xã hội... “Các khảo sát này mang tính tổng quát để doanh nghiệp biết đâu là điểm mạnh để phát huy, đâu là điểm trăn trở, mong muốn của nhân viên để cải tiến”, bà Trinh nói. Bà chia sẻ thêm, hiện các phương pháp đo lường có thể triển khai theo từng tháng, từng quý thay vì thời gian một năm để kịp thời điều chỉnh.
Lãnh đạo Talentnet chỉ ra 5 yếu tố quan trọng để một doanh nghiệp bắt đầu hành trình theo đuổi mô hình doanh nghiệp hạnh phúc. Thứ nhất, tầm nhìn về bức tranh tổng thể của doanh nghiệp khi vận hành. Người lãnh đạo phải chia sẻ cho nhân viên hiểu và tự hào về tổ chức. Đưa mục tiêu rõ ràng, giao việc rõ ràng để họ đóng góp vào bức tranh đó. Thứ 2, thiết lập môi trường mà ở đó nhân viên được phát triển không chỉ về công việc mà còn về tư duy, lối sống, cách đối nhân xử thế. Và doanh nghiệp phải đồng hành cũng như tạo điều kiện để nhân viện thực hiện. Thứ 3, tăng cường gắn kết, ghi nhận, chia sẻ giữa các phòng ban, giữa sếp và nhân viên. Việc ghi nhận bao gồm những việc nhỏ đến lớn, quan tâm đến sức khỏe, gửi lời cảm ơn, động viên đến gia đình nhân viên.
Thứ 4, đảm bảo tính linh hoạt trong cách nhìn nhận vấn đề, quản trị. Cho người trẻ nhiều cơ hội, trải nghiệm và được sửa sai. Linh hoạt trong giờ giấc, công việc, trong cách dùng nguồn lực tổ chức, đa dạng hóa nhân viên tham gia vào những dự án khác nhau giúp họ khám phá, học hỏi được nhiều điều hay và thú vị trong cuộc sống. Cuối cùng là văn hóa doanh nghiệp. Cần tạo được môi trường để nhân viên cảm thấy công ty có sự gắn kết như gia đình nhưng vẫn chuyên nghiệp. Dung hợp được các thế hệ cùng hợp tác, chia sẻ. Bà Trinh nhấn mạnh, việc học hỏi nên diễn ra theo hướng 360 độ. Tức là không chỉ cấp trên hướng dẫn cho cấp dưới mà cấp trên cũng nên lắng nghe, tiếp thu và học các kỹ năng công nghệ, nghiên cứu từ người trẻ.
“Hạnh phúc của doanh nghiệp ngày nay không chỉ là chỉ số tăng trưởng về tài chính mà còn phải nghiêng về chỉ số hài lòng của nhân viên, của khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có những sáng kiến, chiến lược giá trị đóng góp cho ngành nghề đang hoạt động, cho xã hội. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới kiến tạo được bức tranh bền vững tổng quát. Khi lãnh đạo doanh nghiệp làm được điều này, nhân viên sẽ luôn muốn cống hiến và tự hào vì họ ý thức được bản thân cũng đang góp phần tạo nên giá trị cho doanh nghiệp, cho xã hội”, bà Trinh đúc kết.
Có thể bạn quan tâm