Hành khách trên chuyến bay sử dụng thiết bị cá nhân để kết nối internet.
Hành khách Vietnam Airlines không còn lo mất kết nối khi bay trên không
Vietnam Airlines sẽ là một trong số ít các hãng hàng không lớn trên thế giới cung cấp dịch vụ IFC (In flight connectivity) cho phép hành khách sử dụng thiết bị điện tử cá nhân kết nối internet ngay khi đang bay.
Kết nối với thế giới từ trên không
Nỗi lo mất kết nối hoàn toàn với công việc khi đang trên không đối với ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải thủy – người mỗi năm sử dụng khoảng 80 chuyến bay trong nước và quốc tế của sẽ được gỡ bỏ phần nào nhờ dịch vụ IFC sắp được hãng hàng không quốc gia cung cấp.
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 10/10, hành khách bay trên 4 tàu bay Airbus A350 của Vietnam Airlines mang số hiệu VN886/887/888/889 khai thác trên các đường bay giữa Hà Nội – TP.HCM/Thượng Hải/Osaka và TP.HCM – Osaka/Singapore sẽ được tiếp cận dịch vụ IFC. Dịch vụ mới này của Vietnam Airlines cho phép hành khách sử dụng thiết bị điện tử cá nhân như các loại điện thoại thông minh (Smart phone), máy tính bảng, máy tính xách tay có kết nối wifi có thể kết nối internet hoặc các dịch vụ OTT như Whatsapp, Facebook messenger, Imessages…
Dịch vụ tối ưu khi truy cập vào ứng dụng, dịch vụ OTT. |
Với các doanh nhân bận rộn nhưng không muốn việc kết nối thông tin điều hành sản xuất kinh doanh bị gián đoạn ngay khi di chuyển trên không như ông Nguyên giờ đây vẫn có thể nhận/gửi email hoặc tin nhắn thông dụng nhờ dịch vụ IFC. Đối với những người trẻ, việc check in và cập nhật facebook ngay trên các chuyến bay nhờ IFC chắc chắn sẽ mang đến một trải nghiệm mới lạ, thú vị.
Khác với một số hãng hàng không chỉ dành dịch vụ đặc biệt này cho khách hạng thương gia, Vietnam Airlines sẽ mở rộng phạm vi áp dụng IFC cho toàn bộ hành khách trên máy bay, không phân chia thứ tự ưu tiên theo khu vực khoang khách. Thông qua việc hợp tác với Sita OnAir – một doanh nghiệp hàng đầu Thụy Sĩ trong lĩnh vực IFC, ngoài việc nhận/gửi email, tin nhắn, hành khách có thể khiến chuyến bay của mình bớt nhàm chán nhờ việc truy cập vào các trang web được phê chuẩn theo quy trình kiểm duyệt nội dung theo quy định, đảm bảo an ninh trang mạng truy cập.
Toàn bộ hành khách trên chuyến bay đều có thể sử dụng dịch vụ theo nhu cầu. |
Theo ông Nguyễn Nam Tiến - Phó trưởng ban Công nghệ thông tin Vietnam Airlines, dịch vụ IFC sẽ được kích hoạt và sử dụng khi máy bay đạt độ cao trên 10.000 ft. Thời gian sử dụng dịch vụ sẽ tùy thuộc vào gói cước và dung lượng sử dụng của hành khách. Trước mắt, chính sách giá và hình thức bán do Sita OnAir quy định. Giá bán có thể được điều chỉnh theo chính sách bán của đối tác, Vietnam Airlines không tham gia và không có quyền can thiệp vào quá trình xây dựng giá gói cước.
“Trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ nhân rộng dịch vụ wifi lên toàn bộ đội bay A350. Đồng thời hãng dự kiến trong vài năm tới nghiên cứu đầu tư, lắp đặt thiết bị phát wifi phù hợp với đội máy bay Boeing và Airbus A321, tiến tới toàn bộ máy bay thân rộng của hãng sẽ có dịch vụ wifi”, ông Tiến cho biết.
Không ngừng cải thiện dịch vụ
Được biết, việc từng bước triển khai dịch vụ IFC trên các chuyến bay chính là việc cụ thể hóa cam kết cải tiến chất lượng dịch vụ của hãng hàng không quốc gia – Vietnam Airlines đối với hành khách. Dịch vụ đặc biệt này cũng là điểm nhấn quan trọng trong lộ trình trở thành hãng hàng không 5 sao theo đánh giá của Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Anh – Skytrax sau ít năm tới.
Cần phải nói thêm rằng, tính đến giữa tháng 6/2019, Vietnam Airlines đã có 4 năm liên tiếp được Skytrax trao chứng chỉ hãng hàng không quốc tế 4 sao nhờ những nỗ lực vượt bậc trong việc đổi mới hiện đại hóa đội tàu bay và chất lượng dịch vụ.
Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, Vietnam Airlines đã mở rộng đội máy bay thân rộng với trọn bộ 14 chiếc “siêu máy bay” Airbus A350-900 XWB và 11 chiếc “giấc mơ bay” Boeing 787-9 Dreamliner. Từ đầu tháng 9/2019, hãng đã tiếp nhận và đưa vào khai thác chiếc Boeing 787-10 đầu tiên trong tổng số 8 chiếc Boeing 787-10 dự kiến được nhà chế tạo máy bay hàng đầu Hoa Kỳ bàn giao dần cho Vietnam Airlines từ nay đến cuối năm 2020, đồng thời nâng cấp đội tàu bay thân hẹp với 20 chiếc Airbus A321neo để không ngừng mang đến những trải nghiệm mới cho hành khách.
Hành khách nhận được thông tin về chuyến bay có dịch vụ wifi ngay tại kiosk check-in. |
Về dịch vụ mặt đất, Vietnam Airlines là đơn vị tiên phong triển khai hình thức làm thủ tục qua điện thoại (telephone check-in) tại Việt Nam, đồng thời mở rộng phạm vi làm thủ tục ngoài sân bay (in-town check-in), làm thủ tục tại kiosk đặt ở sân bay (kiosk check-in) và làm thủ tục qua website. Cùng với đó, dịch vụ hoàn toàn mới là “Chào đón và đưa dẫn ưu tiên” (Meet and Greet) đem đến sự trợ giúp thiết thực cho hành khách có nhu cầu được hướng dẫn đặc biệt và ưu tiên sử dụng các dịch vụ mặt đất tại sân bay.
Trước đó, trải nghiệm trên không của hành khách thêm phần thú vị nhờ vào việc mở rộng hệ thống giải trí không dây (wireless-streaming) cũng đã được hãng triển khai trên đội tàu bay thân hẹp thế hệ mới Airbus A321neo và tăng số lượng, liên tục cập nhật các chương trình giải trí, phim ảnh, âm nhạc trên đội bay Airbus A350, Boeing 787. Cùng với đó, hành khách cũng có thêm lựa chọn về ẩm thực trên chuyến bay với thực đơn, thức uống được đổi mới liên tục trên cả đường bay nội địa và quốc tế.
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, hãng đang quyết tâm sớm trở thành hãng hàng không top 3 về quy mô trong khu vực Đông Nam Á và Top 10 hãng hàng không được ưa thích tại châu Á. Đây là những điều kiện để hãng khẳng định vị thế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường nội địa và quốc tế.
“Để đạt mục tiêu này, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục đầu tư đổi mới đội tàu bay hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí; đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, từng bước đạt chứng nhận hãng hàng không 5 sao sau năm 2020 gắn với cung cấp các dịch vụ truyền thống đặc trưng Việt Nam”, ông Thành cho biết.