Hàng Việt Nam chất lượng cao vẫn có thương hiệu với người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa
Hàng Việt Nam chất lượng cao: Cần cao đến đâu?
Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao vừa công bố Kết quả Điều tra Bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2019. Theo đó, hàng Việt vẫn chiếm tỉ lệ nhận diện thương hiệu lớn (với tỉ lệ chọn mua lên đến 93%). Cuộc điều tra cũng cho thấy 88% người tiêu dùng nhận biết được và yên tâm mua sản phẩm với nhãn hiệu logo HVNCLC, kế đến là các chứng nhận ISO, VietG.A.P, HVNCLC-Chuẩn hội nhập…
Tuy nhiên, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, không giấu được lo lắng khi cho biết, áp lực cạnh tranh với hàng ngoại nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc… ngày càng lớn. Ngay cả những lĩnh vực vốn là thế mạnh của doanh nghiệp trong nước như nông sản, thực phẩm, mức độ cạnh tranh cũng diễn ra rất khốc liệt.
Áp lực này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải co cụm địa bàn phân phối, giảm danh mục hàng hóa, tập trung vào những ngành chuyên sâu, có thế mạnh. “Ví dụ như việc thâm nhập thị trường Hà Nội hay miền Bắc nói chung. Ngoại trừ một số doanh nghiệp kiên định, còn hầu hết đã thôi nỗ lực vì hàng Trung Quốc, hàng giả và chi phí cao”, bà Hạnh nói.
Sức ép đối với nhóm doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phản ánh sức ép chung đối với các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Áp lực này đã khiến không ít doanh nghiệp tư nhân đã bỏ cuộc chơi khi bán công ty cho đơn vị lớn hơn trong ngành.
Thực tế cho thấy những năm gần đây, sự đổ bộ của các doanh nghiệp nước ngoài như Thái Lan, Nhật, Trung Quốc vào nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam ngày càng dày đặc. Hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Đức Việt, Sabeco, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong... đã về tay các ông chủ nước ngoài.
Một con số khác có thể minh họa chi tiết hơn cho dòng tiền “mua lại” doanh nghiệp Việt Nam: Trong tổng số 7,63 tỉ USD vốn ngoại cam kết đầu tư vào TP.HCM trong năm 2018 thì có đến khoảng 6 tỉ USD nhà đầu tư nước ngoài đầu tư qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần góp vốn của doanh nghiệp trong nước. Con số này một mặt cho thấy sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam, mặt khác cũng cho thấy sự gia tăng áp đảo của các doanh nghiệp nước ngoài khi nắm cán cân “bên mua”. Ở chiều ngược lại, “bên bán” là các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng co cụm hoặc biến mất.
Người đứng đầu giải thưởng Hàng Việt Nam Chất lượng cao có nhiều lý do để lo lắng. Kể từ thời điểm 14.1.2019, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP sẽ bắt đầu được hưởng các chế độ cắt giảm thuế. Đổi lại Việt Nam cũng sẽ dành cho các nước trong CPTPP nhiều ưu đãi về thuế theo đúng cam kết.
Với các hiệp định CPTPP và EVFTA sắp có hiệu lực, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi nếu như không cẩn trọng và có bước đi thích hợp, doanh nghiệp Việt sẽ phải nhường phần lớn thị phần cho các doanh nghiệp FDI vốn có lợi thế hơn về vốn, kinh nghiệm, công nghệ và con người.
Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam, ông Ousmane Dione cho rằng, phải thừa nhận một thực tế là so với 10 nền kinh tế khác trong CPTPP, Việt Nam đứng ở cuối. “Tôi nghĩ việc thực hiện CPTPP sẽ là động lực tiếp theo để Việt Nam cải cách sâu và rộng trong top 10 nước CPTPP để có thể cạnh tranh với các nước khác, không chỉ trong CPTPP”.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho rằng CPTPP có hiệu lực với Việt Nam đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ phải mở cửa theo cam kết cho các đối tác đồng thời thực hiện các nghĩa vụ về thể chế và quy tắc trong hiệp định. “Thử thách cũng phân biệt theo hai nhóm, một là cạnh tranh sẽ phức tạp hơn và gay gắt hơn ngay trên thị trường nội địa; hai là một số các yêu cầu và điều kiện liên quan tới hoạt động kinh doanh sẽ khắt khe hơn, chi phí doanh nghiệp bỏ ra để tuân thủ sẽ cao hơn”, bà Trang nói.
Đóng gói sản phẩm tại dây chuyền sản xuất bánh kẹo Kinh Đô. |
Theo đó, thị trường nội địa sẽ trở thành một cuộc chiến mới với các đối thủ ngoại. Với số dân 90 triệu người, thị trường trong nước thực sự rất tiềm năng. Theo Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng năm 2018 ước tăng 11,7% so với năm trước đó lên gần 4,4 triệu tỉ đồng.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng cơ hội của CPTPP để phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu, song bên cạnh đó cũng cần phải giữ được chính thị trường trong nước. Tại các thị trường nước ngoài, các sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu rất đắt hàng, giá cao, nhưng ngay ở trong nước chúng ta lại đang khá thờ ơ thị trường với 90 triệu dân.
“Doanh nghiệp Việt cần quay lại để giành lại thị trường từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài”, ông Khanh nhấn mạnh. Vì thế, hàng Việt Nam lúc này chất lượng không chỉ cao theo tiêu chuẩn trong nước mà cần được nâng lên một tiêu chuẩn mới: thị trường quốc tế.