Sơ chế trái cây ở trạm thu mua trái cây. Ảnh: Nguoilaodong.
Hàng Việt đắt khách trên đất Thái
►Theo Bộ Công Thương, hàng hóa Việt có mặt ở hầu hết các tỉnh phía Bắc của Thái Lan, thậm chí ở cả những vùng xa nhất.
►Theo đó, 7 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt xuất khẩu với 58,2% thị phần.
Những thương hiệu Việt đã âm thầm vào đất Thái
Nhiều sản phẩm Việt Nam đã âm thầm vào thị trường Thái, thậm chí được tiêu thụ khá mạnh như: bánh, mứt, kẹo, hoa quả chế biến, cá tươi và khô, vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm...
Theo Bộ Công Thương, các loại hàng hóa Việt có mặt ở hầu hết các tỉnh phía Bắc của Thái Lan, thậm chí ở cả những vùng xa nhất. Tại Thái Lan, nhiều năm nay còn có thể thấy các loại hoa quả sấy khô của Công ty Vinamit hay các đồ dùng văn phòng phẩm do Tập đoàn Thiên Long sản xuất đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư vào lĩnh vực địa ốc qua hoạt động xây dựng khu nhà cho thuê và bán căn hộ tại Thái Lan.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, cho biết thị trường hàng hóa Thái Lan từ lâu đã phát triển rất mạnh nên việc xác định bán sản phẩm nào để được người mua chấp nhận là quyết định sống còn của doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Viên phát hiện thấy, mặt hàng mít sấy khô của Thái không đạt độ ngọt, độ dày của múi như mít Việt.
Nhiều sản phẩm Việt Nam đã âm thầm vào thị trường Thái. Ảnh: tuoitre. |
Mặt khác, công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp Thái tuy hiện đại hơn, nhưng công suất của một thiết bị cũng chỉ khoảng 200 kg/ngày. Trong khi Vinamit có thể cho ra đến 500 kg/ngày nên giá bán luôn thấp hơn. Vinamit đã khảo sát người tiêu dùng ở một số siêu thị và đã nhìn thấy cơ hội khi 70% người được khảo sát có nhu cầu dùng trái cây sấy khô.
Do đó, Vinamit mạnh dạn đưa sản phẩm vào khai thác thị trường này. Khi người tiêu dùng Thái đã quen với thương hiệu Vinamit, ông Viên từng bước triển khai các sản phẩm khác. Hiện nay, trung bình mỗi năm Vinamit xuất khẩu sang thị trường Thái trên 1.000 tấn trái cây sấy khô các loại, chiếm khoảng 30% lượng xuất khẩu của Vinamit.
Thương hiệu cà phê Trung Nguyên cũng đang phát triển tốt ở thị trường này. Trung Nguyên nhận thấy người tiêu dùng Thái cùng sở thích hương vị cà phê như người Việt, chưa kể một lượng lớn Việt kiều sinh sống tại đây cũng thích hương vị quê nhà, nên cà phê bột của Trung Nguyên nhanh chóng được người Thái ưa chuộng.
Tại Thái Lan, 70% doanh thu ngành bán lẻ thuộc về kênh phân phối hiện đại nên Trung Nguyên bắt tay với hệ thống siêu thị của Tập đoàn 7-Eleven (Thái Lan) để tạo dựng thương hiệu và đẩy mạnh nguồn hàng đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi nhất.
Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay Thái Lan quan tâm các mặt hàng rau củ quả, đặc biệt su hào, nhãn, vải thiều... Nếu làm tốt công tác xúc tiến thương mại, hàng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội vào Thái Lan, nhờ lợi thế là thu hoạch không trùng với vụ thu hoạch của Thái Lan.
Ngay cả các mặt hàng như: linh kiện ô tô, xe máy, điện tử... cũng hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu sang Thái. Người tiêu dùng Thái Lan đánh giá hàng Việt khá cao nhờ chất lượng đảm bảo và ổn định hơn hàng Trung Quốc.
Người Thái thích hàng chất lượng cao
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy, 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau quả của nước ta ước đạt 2,26 tỉ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, 7 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt xuất khẩu với 58,2% thị phần. Tuy nhiên, 7 tháng qua giá trị xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỉ dân này chỉ đạt 1,15 tỉ USD, giảm tới 28,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trái ngược với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rau củ quả, trái cây Việt Nam sang Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Đài Loan tăng mạnh. Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm 2020, rau quả Việt cực kỳ đắt hàng tại Thái Lan khi xuất khẩu sang thị trường này tăng tới 215,5%.
Nhằm tìm cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường Thái, Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cùng nhiều doanh nghiệp Việt đã kết nối với bộ phận mua hàng của Central Retail Việt Nam và kết nối trực tuyến với các nhà mua hàng ở Thái Lan, từ đó, tận dụng cơ hội xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Thái Lan mà không qua đối tác trung gian.
Ông Lưu Thái Quang Khải, Giám đốc Điều hành Maca Đại Việt, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu macca ông Ba, thông tin thủ tục đưa hàng vào hệ thống siêu thị của Central Retail tại Việt Nam đang ở giai đoạn hoàn tất. Thương hiệu này xuất khẩu đi Thái Lan, Hàn Quốc và đang muốn đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Rau quả Việt cực kỳ đắt hàng tại Thái Lan. Ảnh: haiduong. |
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết kim ngạch hàng Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan qua hệ thống bán lẻ này tăng trưởng đáng kể, từ 46 triệu USD năm 2016 lên 205 triệu USD vào năm 2019. Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN.
Kinh nghiệm của Tập đoàn Thiên Long khi xâm nhập thị trường Thái là "phải chọn những hội chợ được Chính phủ Thái Lan khuyến khích hoặc hỗ trợ, vì đó là những hội chợ uy tín và thu hút cả doanh nghiệp lẫn người dân tham gia".
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, một kinh nghiệm khác là không nên định vị sản phẩm ở phân khúc bình dân vì chắc chắn không thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. Do đó sản phẩm phải có chất lượng tốt, nhưng giá cả hợp lý.
Có thể bạn quan tâm: