Thứ Sáu | 04/07/2014 14:18

Hàng tỷ USD vốn FDI tăng tốc “chảy” vào Quảng Ninh

Dự kiến, chỉ trong năm 2014, tỉnh Quảng Ninh sẽ hút thêm được khoảng 1 tỷ USD vốn FDI vào các dự án trọng điểm.
Vốn đăng ký chảy mạnh, giải ngân tăng

Tỉnh Quảng Ninh vừa có những thống kê quan trọng liên quan đến việc thu hút dòng vốn FDI vào địa bàn trong vài năm gần đây.

Theo đó, Ban quản lý các Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, chỉ trong 2 năm 2012 - 2013 và nửa đầu năm 2014, có 16 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký trên 1 tỷ USD đổ vào Quảng Ninh.

Dự kiến, riêng năm 2014, Quảng Ninh có thể thu hút được 1 tỷ USD vốn FDI, tăng gấp nhiều lần so với trước thời điểm năm 2012.

Tính chung trong hơn hơn 2 năm qua, Quảng Ninh đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 39 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 1,073 tỷ USD, chiếm khoảng 22% tổng vốn đầu tư FDI còn hiệu lực.

Đồng thời, tỉnh cũng cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 205 dự án có vốn đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 113,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,42 tỷ USD.

Đặc biệt, cuối tháng 6 vừa qua, chỉ trong một ngày, có tới 8 dự án quy mô lớn đã đăng ký đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh với tổng vốn lên đến gần 2 tỷ USD.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã trao 4 giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án với tổng vốn 77 triệu USD. Trong đó có 2 dự án mới vốn đầu tư khoảng 68 triệu USD và 2 dự án điều chỉnh với số vốn tăng thêm là 9 triệu USD.

Cùng ngày, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã ký kết 4 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư quan trọng với tỉnh Quảng Ninh. Tổng số vốn cam kết đăng ký đầu tư của 4 dự án này ước tính lên tới 1,6 tỷ USD.

Các dự án của Tập đoàn Xi măng Hạnh Phúc (Đài Loan), Tập đoàn Rent A Port (Bỉ), Công ty CP Đầu tư và Khách sạn My Way Hạ Long và Liên danh Công ty CP Công nghệ và Đầu tư Việt Nga.

Trong đó, dự án Khu du lịch sinh thái đảo Hoàng Tân và Trường Đại học quốc tế Hạ Long của Tập đoàn Hạnh Phúc (Đài Loan), tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD.

Lũy kế đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh có 97 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 4,8 tỷ USD.

Không chỉ vốn đăng ký tăng nhanh, vốn thực hiện FDI cũng cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2012 - 2013. Trong hơn 2 năm gần đây, vốn FDI giải ngân vào Quảng Ninh ước đạt khoảng 1,5 tỷ USD; chiếm 78% tổng vốn đăng ký và 22,8% cơ cấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 41,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Cũng trong hơn 2 năm, khối doanh nghiệp FDI đã tạo ra gần 5.000 việc làm mới, đóng góp gần 3 nghìn tỷ đồng ngân sách cho riêng năm 2013, chiếm 8,6% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, trong vài năm gần đây, đã có khoảng 130 lượt đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại đây.

Trong đó, không ít các gương mặt nhà đầu tư hết sức tiềm năng như: Las Vegas Sands (Mỹ), Texhong (Trung Quốc), Tổng công ty cảng Hàng không (Hàn Quốc), Tập đoàn Amata (Thái Lan)…

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn hàng đầu Việt Nam như Vingroup, Becamex, Công ty TNHH Joinus (Việt Nam), Sovico Holdings … cũng đã đổ vốn đầu tư vào các dự án tại đây.
Vẫn “tắc” ở hạ tầng
Mặc dù đang được đánh giá là địa phương có những bước đi bài bản trong việc thu hút vốn đầu tư nhưng Quảng Ninh vẫn còn không ít “điểm nghẽn” gây cản trở dòng vốn chảy vào tỉnh, đặc biệt là vẫn đang “tắc” ở hạ tầng.

Tại Hội nghị Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh vừa được tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, nhiều chuyên gia và cả nhà đầu tư nước ngoài đã đưa ra những kiến giải quan trọng về việc này.

Đáng chú ý là đánh giá của ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Nhật Bản tại Việt Nam liên quan đến “tắc nghẽn” trong hệ thống cơ sở hạ tầng của Quảng Ninh.

Theo ông Kawada, hiện ở Quảng Ninh mới chỉ có 4 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, đây là con số có thể nói quá khiêm tốn so với những gì mà cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đang làm tại Việt Nam.

Lý do được vị đại diện JETRO đưa ra chính là việc, hệ thống hạ tầng Quảng Ninh chưa phát triển, còn thiếu các khu công nghiệp hiện đại.

Theo Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến năm 2020, Quảng Ninh có tới 15 khu công nghiệp - khu kinh tế.

Trong đó, có 11 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế ven biển và 3 khu kinh tế cửa khẩu. Tuy nhiên, theo ghi nhận của JETRO, hiện ở Quảng Ninh mới có 4 khu công nghiệp đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, có mặt bằng cho thuê nhưng còn khá thiếu hạ tầng phục vụ.

Không những thế, các khu công nghiệp Quảng Ninh còn kém khá xa so với các tỉnh được coi là “ngôi sao” về hút vốn FDI như TP.HCM hay Bình Dương về khoản hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp nội khu.

Điều này cũng đã được chính lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thừa nhận trong một hội nghị quan trọng về đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư vừa được tổ chức cuối tháng 6 vừa qua.

Theo đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và nhu cầu của nhà đầu tư.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thiếu sự liên kết đồng bộ, hệ thống giao thông chưa đạt hiệu quả. Chính điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch và cả quyết tâm đổ vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài ra, theo nhìn nhận của lãnh đạo tỉnh này, chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư của tỉnh cũng chưa đủ mạnh; Cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá chậm được cho phép trong bối cảnh cạnh tranh trong thu hút đầu tư ngày càng gay gắt.

Nguồn BizLive


Sự kiện