Hàng tỷ USD rời khỏi chứng khoán Trung Quốc sẽ chảy vào Việt Nam: Đừng vội "mơ"!
Chứng khoán Trung Quốc lao dốc, hơn 3.000 tỉ USD đã “bốc hơi” khỏi thị trường này. Hàng tỷ USD rời khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc, nhiều người cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc này.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại cẩn trọng và cho rằng chưa chắc nguồn vốn khổng lồ đó sẽ chảy vào Việt Nam. Điều đó còn hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách, chiến lược đầu tư của các quỹ, các tổ chức...
Nhận định về việc tiền ồ ạt chảy ra khỏi chứng khoán Trung Quốc có chảy vào Việt Nam không, T.S Lê Đăng Doanh cho rằng cần phải xem xét thật kỹ, đừng vội khẳng định nó sẽ chảy vào Việt Nam.
"Thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện đang diễn ra rất phức tạp, nó đang ảnh hưởng đến chứng khoán Châu Âu, Nhât Bản. Có ý kiến cho rằng, mình sẽ được hưởng lợi lớn bởi vốn chạy sang Việt Nam. Theo tôi chưa chắc, việc vốn có chảy sang VN hay không cần phải xem xét kĩ", ông Doanh nói.
Từ đó, TS. Doanh còn đặt ra nguy cơ hiện Trung Quốc đang lún sâu vào khủng hoảng dẫn đến cung cầu mất cân đối, cầu kém trong khu nguồn cung dư thừa. Từ đó đặt ra nguy cơ, hàng hoá Trung Quốc sẽ tìm mọi cách tràn qua Việt Nam và các nước lân cận để tiêu thụ.
Năm 2016, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức có hiệu lực cùng nhiều FTA khác hay như TPP. "Nước đã đến chân" nhưng TS. Doanh vẫn cho rằng hiện nay việc chuẩn bị của doanh nghiệp vẫn khá chậm chạp.
"Kinh tế từ nay đến cuối năm sẽ thế nào khi đồng USD đang có xu hướng mạnh lên, tỷ giá và FDI sẽ ra sao? Xu hướng hội nhập liệu rằng có mang lại lợi ích lớn lao như chúng ta kỳ vọng hay sẽ là hàng hoá giá rẻ nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam. Đơn cử như thịt gà Mỹ đã tràn vào Việt Nam với giá siêu rẻ rồi...Tất cả cần phải xem xét kĩ", TS. Doanh khuyến nghị.
TS. Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách- một người có thâm niên trong việc nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc cho rằng biến động chứng khoán của Trung Quốc đang kéo lùi sự phát triển kinh tế của Trung Quốc hàng chục năm.
"Vừa xảy ra đã bốc hơi 3.000-4.000 tỷ USD, mới thấy khủng khiếp. Điều này cho thấy cái ung nhọt kinh tế của Trung Quốc bắt đầu vỡ ra", TS. Hồ phân tích.
Ông Hồ cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam cần coi đó là bài học để rút kinh nghiệm. Bởi nếu không thay đổi, rất có thể sẽ đi vào "vết xe đổ" giống Trung Quốc.
TS. Lưu Bích Hồ nhận định phải đến giai đoạn 2018-2020 kinh tế Việt Nam mới thực sự phát triển một cách vững chắc, có chiến lược và lúc đó mới thực sự là một cuộc cải cách thực sự.
Ông Lê Hải Trà, Phó Tổng Giám đốc HOSE cũng cho rằng, việc dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc có chảy vào Việt Nam hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách, chiến lược đầu tư của các quỹ, các tổ chức nên chưa thể biết có chảy sang hay không và nếu có thì khi nào.
Theo ông Trà, việc nới room là một động thái tích cực để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian tới.
Một lý do khiến dòng vốn lớn hàng chục tỷ USD từ giới đầu tư quốc tế ở thị trường Trung Quốc chưa thể chảy sang nhiều vì quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn hạn chế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng Ban Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế chiến lược lại cho rằng tiền chảy ra khỏi chứng khoán Trung Quốc là một cơ hội tốt cho Việt Nam.
"Thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc và nền kinh tế giảm tốc độ tăng trưởng hơn so với kỳ vọng thì xu hướng chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc sẽ càng rõ nét. Việt Nam là một địa chỉ đầy tiềm năng. Thị trường chứng khoán Trung Quốc tụt dốc có thể sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường Việt Nam", ông Tú Anh chia sẻ.
Với chính sách "nới room" từ ngày 1/9, nhiều nhà đầu tư hi vọng sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ khối ngoại.
Bên cạnh đó nhiều tổ chức nghiên cứu cũng cho rằng về chính sách, đây là một bước cải cách đáng ghi nhận. Việt Nam đang thay đổi để "hấp dẫn" hơn trong mắt nhà đầu tư ngoại. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động để nắm lấy cơ hội.
Nguồn NDH