Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Trung Quốc dự báo lần đầu tiên sẽ chạm mốc 100 tỷ USD
Hàng Trung Quốc "lách" qua Việt Nam vào Mỹ: Cơ hội hay rủi ro?
→Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Hậu quả như Đại suy thoái kinh tế
→Các nhà sản xuất Mỹ khóc ròng vì thuế quan
Đường vòng của "Made in China"
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang bắt đầu thành hình, khi Washington cuối tuần rồi đã "khởi chiến" bằng việc đánh thuế 25% lên hàng hóa của Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD.
Trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung về thương mại, một số chuyên gia quốc tế dự đoán Việt Nam sẽ trở thành một nơi “trú ẩn” cho hàng hóa Trung Quốc trước đòn đánh thuế quan nặng nề của Mỹ khi đi vào thị trường Hoa Kỳ.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2018 (9/7) của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, cho biết Bộ Công Thương vừa có báo cáo lên Chính phủ nêu lên nhận định ban đầu, của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tới nền kinh tế Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cuộc chiến này không chỉ là cạnh tranh thương mại và còn là cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Ông cho rằng, Mỹ không chỉ áp thuế với Trung Quốc mà còn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với các nước đồng minh của mình. Cuộc chiến này không chỉ ảnh hưởng tới xuất khẩu mà bản quyền công nghệ, chính sách tiền tệ tín dụng, cơ cấu kinh tế... cũng sẽ chịu tác động.
Trong khi đó, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết hiện nay có ý kiến cho rằng cuộc chiến này là cơ hội cho Việt Nam "nhưng theo chúng tôi đây không thể là cơ hội bởi vì kinh tế Việt Nam mở, tất cả hoạt động của thế giới đều tác động tới chúng ta". "Nếu chúng ta không xử lý khéo, không những đây là cuộc chiến thương mại giữa hai nước lớn mà tiền đề ảnh hưởng tới những nước mà chúng ta có xuất siêu như Hoa Kỳ. Trước mắt đó là thách thức xuất khẩu của Việt Nam".
Thực tế, theo đánh giá của báo chí nước ngoài, Việt Nam có thể trở thành thị trường “trú ẩn” cho nguồn hàng hóa Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ trong cuộc chiến thương mại đang thành hình giữa hai cường quốc.
Khu hợp tác kinh tế qua biên giới là một ý tưởng do Trung Quốc đưa ra và đang đàm phán với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mô hình này được mô tả là “hai nước một khu, tự do thương mại, vận hành khép kín”.
Theo đó, khu vực hợp tác kinh tế sẽ có các phân khu theo chức năng như khu chế tạo, gia công, kho bãi, thông quan hàng hóa, trung tâm thương mại…, và hai chính phủ sẽ cùng phối hợp quản lý, khai thác và chia lợi nhuận.
Từ năm 2007, Hà Nội và Bắc Kinh bắt đầu xúc tiến mô hình khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành quá trình đàm phán để bắt đầu xây dựng. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ký Bản ghi nhớ đồng ý đẩy nhanh tiến độ đàm phán thỏa thuận khung cho việc xây dựng các khu vực hợp tác kinh tế này.
Chuyên gia Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ, nhận định rằng tranh chấp thương mại với Washington khiến cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc “gặp khó khăn” khi đưa sản phẩm “made in China” trực tiếp sang Mỹ, nên một số sẽ được vận chuyển thông qua các nước thành viên ASEAN.
Ông phân tích: “Chúng ta đã thấy điều đó rồi đấy thôi. Khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc thấy rằng Việt Nam sẽ tiếp cận được dễ dàng hơn vào thị trường Mỹ nên đã tìm cách sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để hưởng lợi từ TPP”.
Hiện các quan chức của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, đang nhắm đến 7 khu vực biên mậu với Việt Nam để đưa các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc đến lắp ráp sản phẩm tại đây và dán nhãn “made in Vietnam”. Một trong những khu vực này là thị xã Bằng Tường, thuộc thành phố cấp địa khu Sùng Tả của Trung Quốc.
Năm 2017, thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 93,69 tỷ USD. Với kết quả trong năm 2017 và tốc độ tăng trưởng những năm gần đây, nhiều khả năng, năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Trung Quốc lần đầu tiên sẽ chạm mốc 100 tỷ USD và là đối tác thương mại đầu tiên lập được kỷ lục này.
Ngoài Việt Nam, Trung Quốc còn xây dựng các khu hợp tác kinh tế với Myanmar, Lào, Kazakhstan, Nga. Tuy nhiên cho đến nay, chỉ có một khu hợp tác kinh tế với Kazahstan là hoàn thành và đi vào hoạt động.
"Mức độ không lớn"
Mặc dù vậy, trong bối cảnh tranh chấp thương mại, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ “để mắt kỹ hơn” đến luồng hàng hóa Trung Quốc thông qua một nước thứ ba như Việt Nam để vào Mỹ nên đây không phải là một lối thoát dễ dàng cho hàng hóa Trung Quốc.
Vì vậy, theo đánh giá của chuyên gia Hiebert, còn quá sớm để đưa ra kết luận cụ thể về tác động của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ lên nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên theo chuyên gia này, dù thế nào thì Việt Nam chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng trong cuộc chiến của hai cường quốc, nhưng “ở một mức độ không lớn”, vì Việt Nam không phải là một nhà cung cấp toàn cầu như Singapore, Malaysia… về các sản phẩm như linh kiện điện tử, vốn là mặt hàng chịu tác động nặng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Chuyên gia của CSIS nói thêm rằng không những vậy, Việt Nam có thể sẽ còn hưởng lợi nếu biết cách “xoay sở” thúc đẩy thương mại tự do với châu Âu, Nhật Bản và các nước ASEAN, bên cạnh những “lợi ích ngắn hạn” từ việc hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc gặp trở ngại khi xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc Trung Quốc đưa hàng sản xuất về Việt Nam thì Việt Nam cũng không có lợi lộc gì ngoài 1 chút lời thu về từ dịch vụ và làm gia công cả. Việc này nếu bị lạm dụng quy mô lớn thì Mỹ sẽ áp dụng biện pháp điều tra, ảnh hưởng nhất định đến ngành hàng xuất khẩu.