Chủ Nhật | 30/09/2012 20:44

Hàng tạm nhập tái xuất chỉ được lưu lại Việt Nam 45 ngày

Doanh nghiệp kinh doanh cần tạm nhập tái xuất cần có kinh nghiệm hoạt động xuất nhập khẩu ít nhất 2 năm, có 5 tỷ đồng ký quỹ...
Sau khi chỉ ra nhiều bất cập trong việc quản lý hàng tạm nhập tái xuất quá lỏng lẻo, mới đây Bộ Công thương đã đưa ra dự thảo Thông tư mới.

Chiếu theo nội dung dự thảo Thông tư này có thể thấy hầu hết những điểm bất cập lớn được Bộ Tài chính đề cập đến trong văn bản báo cáo Thủ tướng đã được sửa đổi. Đó là quy định chặt chẽ hơn việc các thương nhân đủ điều kiện mới được cấp mã số kinh doanh mặt hàng này: có kinh nghiệm hoạt động xuất nhập khẩu ít nhất 2 năm, có 5 tỷ đồng ký quỹ, có kho bãi đủ điều kiện...

Dự thảo Thông tư mới cũng quy định các doanh nghiệp không được chia nhỏ container trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập tái xuất đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, điểm thông quan theo quy định. Hàng hóa tạm nhập tái xuất cũng chỉ được lưu lại Việt Nam không quá 45 ngày kể từ ngày làm thủ tục tạm nhập vào Việt Nam hoặc ngày nhập hàng tại kho ngoại quan để tái xuất sang nước thứ 3. Hải quan chỉ cho gia hạn 1 lần không quá 15 ngày.

Như vậy, khoảng thời gian hàng hóa tạm nhập lưu lại Việt Nam đã rút ngắn xuống chỉ còn 2 tháng thay vì tối đa 6 tháng như trước kia. Nếu không tái xuất được thì tịch thu xử lý theo quy định. Tuy vậy, thời hạn lưu hàng hóa tại Việt Nam trong dự thảo này vẫn dài gấp đôi so với thời hạn 30 ngày mà Hải quan đề xuất với Chính phủ.

Bộ Công Thương đã công bố dự thảo văn bản xiết chặt hơn việc kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Một kẽ hở gây tranh cãi về việc doanh nghiệp lợi dụng chính sách thuế thông thoáng, hàng tạm nhập không thuộc đối tượng chịu thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt nên khai là tạm nhập tái xuất nhưng thực chất là tiêu thụ nội địa, sau đó khai bổ sung chuyển loại hình nhập khẩu để kéo dài thời gian phải nộp thuế cũng được “bít” lại, với quy định hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất sẽ không được chuyển tiêu thụ nội địa.

Để chấm dứt tình trạng doanh nghiệp tạm nhập tràn lan, Thông tư mới cũng quy định nếu doanh nghiệp vi phạm về việc quá hạn không tái xuất hàng hoặc khi hàng tồn đọng tại cảng, cơ quan chức năng yêu cầu giãn tiến độ mà vẫn cố tình chuyển hàng về sẽ bị ngưng hoạt động tạm nhập tái xuất trong vòng 6 tháng. 6 tháng sau nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị thu hồi mã số kinh doanh loại hình này.

Có 10 loại vi phạm sẽ khiến thương nhân lập tức bị thu hồi mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất là gian lận trong việc kê khai điều kiện kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các loại chi phí 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương yêu cầu, không duy trì đủ tiền ký quỹ, cho thuê kho, kinh doanh mặt hàng thuộc danh mục cấm hoặc hạn chế, vi phạm trong bảo vệ môi trường, tái xuất tại cửa khẩu không đúng quy định, tự ý thay đổi cửa khẩu tái xuất mà không thông báo với cơ quan Hải quan, hàng hóa đưa về không đúng như khai báo...

Thương nhân bị thu hồi mã số sẽ không được cấp lại trong vòng 1 năm kể từ ngày vi phạm. Đáng chú ý hơn, thương nhân kinh doanh hàng đông lạnh vi phạm cũng không được cho thương nhân khác thuê kho đông lạnh để xin mã số mới.

Nếu có dấu hiệu tồn đọng hàng, gây ô nhiễm tại cảng, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu các doanh nghiệp tạm ngừng hoặc giãn tiến độ đưa hàng về Việt Nam, đồng thời đề nghị cơ quan Hải quan tạm ngưng làm thủ tục. Thương nhân có vi phạm về việc để hàng hóa tồn đọng không tái xuất sẽ được Hải quan thông báo đến Bộ Công Thương để ngừng cấp giấy phép mới, ngừng gia hạn giấy phép kinh doanh cũ và xử lý vi phạm theo quy định...

Nguồn Công an Nhân dân


Sự kiện