Thứ Hai | 02/11/2015 09:48

"Hàng nóng" Trường Long

Nếu như công nhân HTL bận rộn tại xưởng, nhiều nhà đầu tư cũng đang “chóng mặt” với giá cổ phiếu HTL trên sàn chứng khoán.

Trong cả ba khu vực sản xuất của công ty ôtô Trường Long (HTL) tại khu công nghiệp Tân Tạo, TPHCM, công nhân đang tất bật luôn tay. Người thì cầm que hàn để nối thùng với đầu xe, người đang bảo trì, người thì cầm vòi rửa xe cho sạch để chuẩn bị giao. Không gian nhà xưởng tại đây dường như nhỏ lại, bởi hàng dài ôtô tải xếp lớp chờ giao hoặc sửa chữa. Bà Lã Thị Thanh Phương, thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Phó Giám đốc Điều hành HTL, cho biết có trường hợp khách hàng đặt xe tới cả gần nửa năm mới nhận được xe.

Nếu như công nhân HTL bận rộn tại xưởng, nhiều nhà đầu tư cũng đang “chóng mặt” với giá cổ phiếu HTL trên sàn chứng khoán. Giá HTL liên tục nhảy vọt từ 23.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm nay lên mức gần 190.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch 29.10.2015.

Thực tế, không chỉ HTL, nhiều cổ phiếu của các hãng ôtô khác đều tăng trần trong nhiều phiên gần đây. Nếu như giá cổ phiếu HTL tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ, giá của Công ty Ôtô TMT cũng gấp hơn 4 lần, Ôtô Hàng Xanh (HAX) tăng hơn gấp đôi. Chiều hướng đi lên của hàng loạt cổ phiếu ôtô cho thấy dường như ngành này đang bước vào giai đoạn tăng trưởng trong một chu kỳ kinh tế.

Mở lối đi riêng

Hoạt động truyền thống của HTL là phân phối dòng xe tải hạng trung và hạng nặng Hino. Hino là một nhánh công ty con của Tập đoàn Toyota (Nhật) và được định vị ở phân khúc cao cấp tại thị trường Việt Nam. Và HTL không phải là đại lý duy nhất phân phối Hino, như Savico cũng phân phối dòng sản phẩm này. Giữa 10 đại lý chính thức của Hino (trong số này cũng có đến 8 đại lý đạt tiêu chuẩn 3S, gồm bán hàng, dịch vụ bảo trì và phụ tùng), HTL lựa chọn làm điều khác biệt cho công ty mình. Đó là tập trung sản xuất theo nhu cầu của khách hàng, chứ không chỉ đơn thuần nhập xe về bán.

Bà Phương, HTL, cho biết đặc thù của dòng xe ôtô tải khác với dòng xe du lịch. Nếu như dòng xe du lịch là sản phẩm cố định, các đại lý nhập đều giống nhau thì ôtô tải lại khác với khả năng “tùy biến” cao hơn. “Với dòng xe tải, mỗi đại lý có một lợi thế riêng”, bà nói.

Một số hãng xe tải chỉ nhập và bán đầu xe, trong khi thùng xe hoặc các bộ phận trang bị thêm như cần cẩu thì phải mua thêm, còn HTL lựa chọn làm “trọn gói”. Lấy ví dụ, cùng nhập một đầu xe tải loại nhỏ, nhưng nhà phân phối có thể đặt thêm thùng kín phía sau để làm loại chở hàng, hoặc cần cẩu dùng cho xây dựng, bồn chở nhiên liệu, nước, hoặc thùng đông lạnh để chở hàng thủy sản... Nếu như tỉ lệ lợi nhuận trung bình của việc phân phối xe vào khoảng 5-7% thì việc “chế” thùng này mang lại mức lợi nhuận cao hơn.

HTL có một bộ phận sản xuất và thiết kế riêng và vị trí đứng đầu ở hai bộ phận này do người Nhật đảm nhiệm, bà Phương cho hay. Trụ sở chính của Công ty tại Khu Công nghiệp Tân Tạo làm nhiệm vụ sáng tạo, còn sản xuất hàng loạt thì trong tương lai sẽ được tiến hành ở nhà máy Vĩnh Long.

Quan điểm của HTL là bước đi trên thị trường một cách từ tốn, vì hoạt động ở phân khúc cao cấp đồng nghĩa với việc khó bán nhanh. Từ năm 2010 đến nay, HTL vẫn giữ nguyên vốn điều lệ ở mức 80 tỉ đồng. Công ty này chủ trương tận dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Tuy nhiên, điều này có vẻ như đang thay đổi. Không chỉ tăng vốn với việc chia cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ 50%, gần đây HTL tích cực mở rộng đại lý và nhà máy nhiều hơn. Hồi tháng 6 vừa qua, HTL tiến ra thị trường Đà Nẵng, tháng 10 thì mở rộng nhà máy giai đoạn 2 ở Vĩnh Long và dự kiến trong năm sau sẽ mở chi nhánh ở Lâm Đồng.

Doanh thu và lợi nhuận của Ôtô Trường Long qua các năm Đơn vị: tỉ đồng - Nguồn: NCĐT tổng hợp

Sự xuất hiện của người Thái

Một trong những lý do đẩy giá cổ phiếu HTL lên cao có lẽ còn là vì thương vụ M&A gần đây. Từ đầu năm đến nay, Công ty Chairatchakarn (Thái Lan) bắt đầu mua vào và tăng cường tỉ lệ nắm giữ tại HTL. Người Thái sẽ có chân trong Hội đồng Quản trị HTL tại Đại hội cổ đông bất thường tháng 11 này.

Như vậy, cơ cấu sở hữu tại HTL hiện nay có 3 nhóm chính, chiếm hữu gần như toàn bộ cổ phần. Ngoài  nhóm cổ đông sáng lập (theo mô hình quản trị gia đình) nắm giữ tới hơn 49%, còn có nhóm cổ đông Sumitomo (Nhật) và Chairatchakarn (Thái Lan) lần lượt nắm giữ 16,5% và 27,5% cổ phần.

Chairatchakarn ở thị trường Thái Lan là một đại lý Hino thành công và có kinh nghiệm lâu đời. Bà Phương cho biết, từ khi vào HTL và trong thời gian sắp tới, hai bên vẫn tiến hành trao đổi kinh nghiệm, tìm nguồn cung cấp thiết bị máy móc và tư vấn dịch vụ sửa chữa.

Trong khi đó, Sumitomo dù là tập đoàn tài chính của Nhật, nhưng theo bà Phương, tập đoàn này tham gia vào HTL cũng chính vì mục đích phát triển thương hiệu Hino. Trước đó, năm 1996 Sumitomo cũng tham gia vào liên doanh Hino Việt Nam, một hãng lắp ráp xe thương hiệu Hino tại Hà Nội.

Có vẻ như HTL lựa chọn đối tác chiến lược đều là người ủng hộ cho sản phẩm Hino. “Đó đều là những người đầu tư về chuyên môn”, bà Phương nói.

Câu chuyện ngành ôtô được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, khi lộ trình giảm thuế các dòng xe đã rõ ràng đến năm 2018, nhưng tranh cãi giữa các nhà sản xuất và các nhà phân phối thì vẫn chưa có hồi kết. Trong khi giấc mơ sản xuất xe Việt ngày càng xa vời hơn thì các công ty phân phối lại được dịp hái quả ngọt. Trong ngành ôtô, chính sách luôn ảnh hưởng trực tiếp và rất mạnh mẽ. Năm ngoái, thị trường ôtô tải tăng trưởng cao phần lớn là nhờ chính sách siết chặt lại hoạt động vận tải như quy định tải trọng và các tiêu chuẩn chở hàng khác hồi giữa năm ngoái.

Có lẽ vì vậy mà bà Phương vẫn dè dặt khi nói về tương lai của ngành ôtô nói chung. “Thị trường Việt Nam rất khó nói, vì còn tùy thuộc nhiều yếu tố”, bà nói. Về tương lai của HTL, quan điểm của bà là cố gắng làm tốt phần cốt lõi của mình, bất kể thị trường lên hay xuống.

Thanh Phong