Hàng loạt “sếp nhà nước” rời ghế tại Cienco
Thanh thản rời ghế
Bộ đôi lãnh đạo cao nhất tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 – CTCP (cienco8) là những người mới nhất đã và đang gia nhập danh sách “cựu lãnh đạo Cienco thời hậu cổ phần hóa”.
Sở dĩ nói công tác chuyển giao lãnh đạo ở Cienco8 là “đã và đang” là bởi hiện mới có ông Phạm Xuân Thủy chính thức rời chức vụ Tổng giám đốc. Chủ tịch HĐQT đương nhiệm là ông Vũ Cao Đàm nhiều khả năng cũng sẽ rời Cienco8 để về lại vị trí cũ là Phó vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Thủy cho biết, ông cùng với Chủ tịch HĐQT Vũ Cao Đàm đã ký văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép rút luôn cả vị trí người đại diện phần vốn nhà nước còn lại Tổng công ty này.
Khác với ông Đàm, ông Thủy sẽ rời hẳn “nhà nước”, xin nghỉ hưu sớm để ra làm riêng dù vẫn được “người mới” mời ở lại.
Được biết, người sẽ tiếp nhận 2 ghế lãnh đạo cao nhất tại cienco8 – doanh nghiệp từng bị cho là làm ăn kém cỏi nhất trong số các Cienco giao thông là ông Lương Minh Tường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Lộc (Ninh Bình).
“Trước khi nhận chức vụ, tôi có nói với Bộ trưởng Đinh La Thăng là sẽ làm hết sức mình và nếu có nhà đầu tư nào chấp nhận mua cổ phần nhà nước để nắm chi phối tôi sẵn lòng thôi làm tổng giám đốc ”, ông Thủy tâm sự.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2015, Phúc Lộc và 2 cá nhân của tập đoàn đã hoàn tất việc mua vốn nhà nước và từ các cổ đông chiến lược với tổng cộng 51,99% tổng số cổ phần tại Cienco8. Trong văn bản đề nghị Bộ GTVT giao ông Tường làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cienco8, Tập đoàn Phúc Lộc cam kết sẽ mua lại toàn bộ phần vốn còn lại của nhà nước (khoảng 10,8 triệu cổ phần, tương đương 40,7% với giá trị là 108,6 tỷ đồng) sau khi hoàn tất quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.
Cần phải nói thêm rằng, việc Cienco8 sắp thoái xong toàn bộ phần vốn nhà nước đã chứng minh luận điểm: “Cổ phần hóa không khó nếu như Nhà nước mạnh tay buông không cần nắm chi phối” của lãnh đạo Bộ GTVT.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, ngoài cienco8, Chủ tịch Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) Nguyễn Huy Hiền cũng vừa chia tay doanh nghiệp để điều chuyển về bộ chủ quản, giữ chức Phó cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam.
Trong hơn một năm trước đó, dù ngồi ghế cao nhất tại doanh nghiệp, nhưng do chỉ đại diện 20% vốn nhà nước còn lại, nên ông Hiền từng tâm sự chỉ coi mình là “Chủ tịch đi làm thuê” và luôn xác định có thể ra đi bất cứ lúc nào khi cổ đông chiến lược đổi ý. Dù vậy, việc giữ cương vị cao nhất tại doanh nghiệp trong gần 18 tháng sau cổ phần hóa phần nào cho thấy vị lãnh đạo này đã thích nghi tốt với các ông chủ và phong cách làm việc mới.
Không thay đổi chiến lược kinh doanh
Trước đó, một loạt chủ tịch, tổng giám đốc đã phải ra đi ngay khi bán xong phần vốn nhà nước cho các nhà đầu tư. Điển hình như tại Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, khi cả hai lãnh đạo cao nhất đều sớm nói lời từ biệt. Tháng trước, một lãnh đạo cao cấp khác của đơn vị này là Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc Khương Thế Duy cũng rời công ty này để làm Phó cục trưởng Cục Đường sắt.
Một trường hợp khác là câu chuyện của cựu Chủ tịch Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) Phạm Ngọc Đích. Sau khi bán cổ phần cho đối tác chiến lược giữa năm ngoái, vị này đã rời ghế Chủ tịch để chuyển làm công việc điều hành. Tuy nhiên, sau một năm làm Tổng giám đốc, ông Đích tiếp tục viết đơn xin nghỉ và được chuyển về Vụ Vận tải (Bộ GTVT), giữ chức phó vụ trưởng.
Như vậy, sau 20 tháng đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành giao thông, đã có 12 lãnh đạo các tổng công ty phải thay đổi vị trí công tác.
Trong số này, có những người được Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá là “hoàn thành nhiệm vụ” cổ phần hóa nên được điều chuyển về Bộ làm công tác. Những trường hợp này gồm lãnh đạo các công ty xây dựng đường thủy, vận tải thủy, Xây dựng Thăng Long…
Tuy nhiên, cũng có người bị thay đổi vị trí do chậm trễ trong các nhiệm vụ cổ phần hóa, như trường hợp cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Nguyễn Đạt Tường.
Được biết, doanh nghiệp được dự báo sắp có biến động về nhân sự cao cấp là Cienco6 khi phương án thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại đây đã được HĐQT trình lên bộ chủ quản. Hiện có nhiều nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Hải Thạch bày tỏ nguyện vọng tiếp quản toàn bộ phần vốn mà Nhà nước đang nắm tại đây (hơn 90% vốn điều lệ).
Tại Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI), Chủ tịch Hội đồng quản trị đơn vị này đã đề nghị Bộ GTVT bán toàn bộ 49% cổ phần nhà nước nắm giữ cho người lao động với giá bằng giá chào bán cho các cổ đông chiến lược. Hiện người lao động tại TEDI đang nắm khoảng 9,5% lượng cổ phần trong cơ cấu 125 tỷ đồng vốn điều lệ.
Ngay từ đầu, các Cienco giao thông đã được xác định là Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối, thậm chí có thể thoái hết vốn là lý do giải thích vì sao các doanh nghiệp này tạo được sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư dù từng bị dự đoán là khó cổ phần hóa.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, do các đối tác chiến lược đều có cùng ngành nghề hoạt động, nên việc thay đổi cơ cấu cổ đông sẽ không làm thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh của đơn vị, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ và người lao động.
“Chỉ có cổ phần hóa một cách triệt để mới có thể làm thay đổi bản chất quản trị doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết.
Nguồn Đầu tư