Thứ Bảy | 10/11/2012 10:19

Hàng loạt ngân hàng giảm lợi nhuận do trích lập dự phòng cao

Theo báo cáo tài chính nhiều ngân hàng, lợi nhuận giảm khá mạnh do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu hoặc nợ liên quan đến vàng.
Đến cuối quý III, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank tăng mạnh so với cuối năm 2011, từ 0,57% lên 1,4%. Trong đó, nhóm nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 3 lần. Tuy trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của Sacombank trong quý III giảm hơn 23%, xuống 113,9 tỷ đồng, nhưng lũy kế 9 tháng, khoản trích dự phòng của ngân hàng này vẫn lên tới 484 tỷ đồng.

Tân Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Phạm Hữu Phú cho biết, do nợ xấu gia tăng, nên khả năng lợi nhuận sau trích lập dự phòng của ngân hàng năm nay chỉ có thể đạt mức 2.800 tỷ đồng, thay vì 3.400 tỷ đồng theo kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao.

Tại Navibank, trong khi dư nợ tín dụng giảm, thì tỷ lệ nợ xấu lại tăng lên 3,97% vào cuối quý III, buộc Navibank phải trích dự phòng rủi ro tín dụng hơn 6,2 tỷ đồng trong quý III/2012, lũy kế 9 tháng, dự phòng của ngân hàng này lên đến 31 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Navibank, vì thế, chỉ đạt 6,57 tỷ đồng trong quý III, giảm 87%; lũy kế 9 tháng đạt 98 tỷ đồng, giảm 33,5% cùng kỳ năm 2011.

Kết thúc hoạt động 9 tháng đầu năm 2012, dư nợ tín dụng của DaiA Bank tăng 11,6%, huy động tăng 15,8%. Lợi nhuận sau thuế của DaiA Bank trong quý III đạt 61 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng đạt 225,4 tỷ đồng, giảm 21% so cùng kỳ. Trong khi đó, dự phòng rủi ro tín dụng của DaiA Bank lại tăng từ 68,7 tỷ đồng lên 120,4 tỷ đồng trong 9 tháng qua.

Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của LienVietPostBank cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của nhà băng này giảm mạnh. Cụ thể, chỉ tính riêng quý III/2012, con số trích lập dự phòng tăng gấp 7 lần so với năm ngoái, từ 12,4 tỷ đồng lên 82,1 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9, nợ có khả năng mất vốn của LienVietPostBank là 243,8 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, nợ nhóm này của LienVietPostBank chỉ là 4,48 tỷ đồng.

Vì thế, lợi nhuận sau thuế quý III LienVietPostBank chỉ đạt 5,2 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 73,8 tỷ đồng, giảm 24,6% so cùng kỳ 2011.

Tuy mức trích lập dự phòng của hai ngân hàng lớn là VietinBank và Vietcombank đều giảm trong quý III, nhưng xét lũy kế từ đầu năm, con số trích lập của các nhà băng này cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2011. Trong 9 tháng, trích lập dự phòng rủi ro của VietinBank là 2.751 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái. VietinBank cũng là ngân hàng công bố lợi nhuận không bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, nợ xấu tăng và ngân hàng phải trích lập đầy đủ các khoản dự phòng, khiến lợi nhuận sụt giảm. Tuy nhiên, VietinBank đang từng bước giải quyết các khoản nợ xấu, nên trích lập dự phòng của ngân hàng đang giảm dần.

Vietcombank cũng có mức trích lập dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm tăng gần 52% so với cùng kỳ năm 2011. Về chất lượng nợ cho vay, nợ có khả năng mất vốn của Vietcombank trong 9 tháng đầu năm lên 3.211 tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2011.

Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, để có thể giải quyết được bài toán vốn và đẩy mạnh cho vay, trước hết, các ngân hàng phải chung sức xử lý nợ xấu.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện