Chủ Nhật | 09/12/2012 14:50

Hàng loạt doanh nghiệp nợ lương, thưởng người lao động

Trong đó, nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau, không ít doanh nghiệp giải thể và phá sản.
Theo số liệu tập hợp từ các đơn vị của Bộ Xây dựng, tính đến hết 9 tháng, 17 doanh nghiệp trực thuộc Bộ, trong đó có 9 Tổng Công ty nợ lương hơn 256 tỷ đồng; nợ bảo hiểm xã hội hơn 270 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến nợ lương trên các công trường xây dựng chủ yếu do vướng mắc nghiệm thu và thanh toán khối lượng hoàn thành và do nợ đọng trong xây dựng cơ bản (XDCB). Đây thực sự là vấn đề nhức nhối với các doanh nghiệp ngành Xây dựng hiện nay.

Ngành Giao thông Vận tải cũng rơi vào tình cảnh không khả quan hơn là mấy. Theo thống kê tại Bộ Giao thông Vận tải, tổng số nợ tiền lương của các đơn vị trong ngành (không tính 2 doanh nghiệp Vinashin, Vinalines) là 166,4 tỷ đồng, trong đó khoản nợ lương từ 3-12 tháng là 87,54 tỷ đồng. Cá biệt, có những đơn vị đặc biệt khó khăn đã nợ lương kéo dài trên 12 tháng.

Trên thực tế, những tháng đầu năm 2012, tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ đạt rất thấp. Tình trạng nợ đọng XDCB tại các địa phương diễn ra khá phổ biến và ở mức độ khá nghiêm trọng.

Hậu quả là công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém; chủ đầu tư không có nguồn vốn để thanh toán; nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau, không ít doanh nghiệp giải thể và phá sản...

Báo cáo nhân lực trực tuyến do VietnamWorks công bố cho thấy từ đầu năm 2012 đến nay, nhân lực ngành bất động sản giảm 50%, xây dựng giảm 49%. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia lao động, năm 2012 ngành Xây dựng có số lượng lao động thất nghiệp lớn nhất và cũng là “con nợ” lớn nhất của ngành bảo hiểm xã hội.

Trong khi đó, số lượng các công ty bất động sản làm ăn thua lỗ đóng cửa hàng loạt tăng mạnh, kéo theo đó số lượng nhân sự bị cắt giảm cũng ồ ạt. Các ngân hàng, công ty tài chính cũng đang lao đao bởi khủng hoảng nhân sự, số lượng nhân viên bị sa thải tăng mạnh. Chế độ đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị thôi việc đều bỏ ngỏ.

Mặc dù chưa hết năm, chưa có doanh nghiệp nào công bố về mức thưởng Tết năm nay nhưng nhìn chung khối doanh nghiệp tư nhân đang đứng trước tình trạng khó khăn nên có thể nhiều đơn vị không có thưởng Tết.

Ngành ngân hàng, vốn được xem là ngành có truyền thống thưởng Tết cao thì năm nay do kinh tế khó khăn nhiều ngân hàng không làm ăn được. Tại buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nêu rõ quan điểm, sẽ dứt khoát nghiêm cấm các ngân hàng chia thưởng, tăng lương nếu như không trích lập đủ dự phòng rủi ro và phải dành lợi nhuận để xử lý nợ xấu. Vì vậy dự đoán năm nay ngành ngân hàng sẽ có mức thưởng Tết khiêm tốn.

Năm 2013 cũng được dự đoán là năm khó khăn với người lao động, dự báo trong năm sau sẽ có 29% doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng nhân viên mới và 3% doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự. Bên cạnh đó, chỉ còn 68% doanh nghiệp quyết định tuyển dụng thêm nhân viên so với con số 75% của năm 2012.

Nguồn ANTĐ


Sự kiện