Chủ Nhật | 27/01/2013 08:52

Hàng loạt công ty chứng khoán sẽ giải thể, phá sản: Chưa có quy định pháp luật cụ thể

Một quan chức của UBCKNN thừa nhận việc giải thể công ty chứng khoán là vấn đề mới mẻ.
Tin Công ty chứng khoán Âu Việt tuyên bố giải thể không làm dư luận ngạc nhiên nhưng vẫn là một tiếng chuông báo động cho một loạt sự kiện sẽ xảy ra với thị trường chứng khoán đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Nhưng không chỉ có Âu Việt. Ngoài những trường hợp tự động rút nghiệp vụ, không ít các doanh nghiệp bị bắt buộc bỏ hoạt động môi giới như Chứng khoán Trường Sơn, Đông Dương và Chứng khoán Hà Nội do khó khăn tài chính, không đủ tiêu chuẩn giao dịch. Ngoài ra, Chứng khoán SME cũng phải rời hẳn thị trường vì hàng loạt bê bối.

Nhiều lãnh đạo công ty chứng khoán bị bắt với các vi phạm hình sự, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ra quyết định đặt 7 công ty chứng khoán vào diện kiểm soát đặc biệt (công ty Chứng khoán Cao Su, Vina, Hà Nội, Trường Sơn, Đà Nẵng, Mê Kông, và Công nghiệp và Thương mại Việt Nam).

Thậm chí Công ty Chứng khoán Nam An (NASC) ghi nhận năm lỗ thứ 5 liên tiếp khi doanh thu các mảng tư vấn, tự doanh, môi giới mang lại cho doanh nghiệp chưa đầy 1 tỷ đồng. Đây cũng là công ty chứng khoán duy nhất chưa từng lãi kể từ khi thành lập đến nay.

Vậy sẽ phải xử lý thế nào? Theo Luật Chứng khoán, một mặt việc giải thể công ty chứng khoán được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, mặt khác lại yêu cầu trường hợp công ty chứng khoán tự giải thể trước khi kết thúc thời hạn hoạt động thì phải được UBCKNN chấp thuận.

Vấn đề khác nữa là giải quyết số chứng khoán do công ty tự doanh. Trong các báo cáo tài chính, hầu hết số chứng khoán mà các công ty đang nắm giữ thường được kê với giá mua hoặc mệnh giá, nhưng thực chất các chứng khoán này đã mất giá. Khoản lỗ lớn này các cổ đông lớn tham gia điều hành công ty có thể chấp nhận nhưng các cổ đông không tham gia điều hành chắc chắn sẽ không chịu nổi.

Ngoài ra, công ty chứng khoán khi thành lập còn trên trăm tỷ đồng tiền ký quỹ nộp vào Kho bạc Nhà nước khi làm thủ tục hoạt động trước đây. Những vấn đề này cho đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể.

Một quan chức của UBCKNN thừa nhận việc giải thể công ty chứng khoán là vấn đề mới mẻ. Tuy nhiên, nếu thực tế có chuyện như vậy thì UBCKNN với tư cách cơ quan quản lý chuyên ngành chứng khoán phải có trách nhiệm tham gia giải quyết.

Trước mắt, theo ý kiến của doanh nghiệp, UBCKNN cần kiến nghị Bộ Tài chính ban hành ngay hành lang pháp luật về thủ tục giải thể cho loại hình công ty chứng khoán. Điều này hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp chứng khoán đang rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay, đặc biệt là các công ty chứng khoán nhỏ.

Bởi lẽ theo nguyên tắc, công ty không có nợ nhiều và đủ khả năng trả nợ thì mới có quyền tuyên bố giải thể. Nhưng đa số các công ty chứng khoản nhỏ hiện nay đều có dính dáng đến các khoản nợ khó đòi hoặc nợ không trả được. Nếu họ tuyên bố giải thể thì chủ nợ sẽ kiện ra tòa. Lúc này sẽ gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn, nhất là về yếu tố tâm lý.

Mới đây nhất, Thông tư 210/2012/TT-BTC, thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC hướng dẫn về thành lập và hoạt động công ty chứng khoán, có hiệu lực từ 15/1/2013 lần đầu tiên đã có quy định chi tiết về trình tự, thủ tục giải thể công ty chứng khoán.

Nhưng những quy định này chỉ mới là quy định để được phép giải thể phá sản, chưa hướng dẫn được cho doanh nghiệp thực hiện các công việc sau khi được phép giải thể và phá sản. Điều này đồng nghĩa là với những trường hợp công ty chứng khoán có tình hình tài chính lành mạnh, hoàn tất việc tất toán tài khoản của khách hàng, đồng thời không phát sinh khiếu nại về tranh chấp tài sản…, thì việc giải thể khá thuận lợi. Tuy nhiên, với những thiệt hại trong quá trình giải thể phá sản đem lại cho khách hàng và cổ đông, chắc chắn sẽ xảy ra khiếu nại về tranh chấp.

Nguồn An ninh thủ đô


Sự kiện