Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2015
Quy định mới về lựa chọn nhà đầu tư, về bổ tái bổ nhiệm cán bộ, thi tuyển công chức, hỗ trợ duy trì việc làm cho người lao động, quy định chi tiết một số điều của Luật Công chứng... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2015.
Chính sách mới đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm
Nghị định 26/2015 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có hiệu lực thi hành từ 1/5/2015.
Nghị định này quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm trong 3 trường hợp: nghỉ hưu trước tuổi, tiếp tục công tác cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.
Hỗ trợ duy trì việc làm cho người lao động
Theo quy định tại Nghị định số 28/2015 ngày 12/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực thi hành từ 1/5/2015, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với đó, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp làm việc theo hợp đồng đúng quy định khi bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm; hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện...
Quy định chi tiết một số điều của Luật Công chứng
Có hiệu lực từ ngày 1/5/2015, Nghị định 29/2015 ngày 15/3/2015, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng về chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng; hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng Văn phòng công chứng; chính sách ưu đãi đối với Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; điều kiện về trụ sở của Văn phòng công chứng;...
Quy định chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư
Theo Nghị định 30/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 5/5/2015.
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật Đấu thầu. Nghị định được ban hành để kịp thời triển khai thi hành nội dung mới quan trọng của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất; giúp hoàn thiện khung pháp lý lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP và nhà đầu tư dự án sử dụng đất mà các văn bản quy phạm pháp luật trước đó chưa giải quyết được triệt để.
Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Nghị định số 32/2015 ngày 25/3/2015 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng sẽ có hiệu lực thi hành từ 10/5/2015. Nghị định này quy định việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được thực hiện theo nguyên tắc phải bảo đảm mục tiêu đầu tư, hiệu quả dự án đã được phê duyệt, phù hợp với trình tự đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Xây dựng và nguồn vốn sử dụng.
Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng, phù hợp với yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện xây dựng, mặt bằng giá thị trường tại thời điểm xác định chi phí và khu vực xây dựng công trình.
Kết luận thanh tra phải được thực hiện nghiêm, có theo dõi, kiểm tra
Theo Nghị định 33/2015 ngày 27/3/2015 quy định việc thực hiện kết luận thanh tra có hiệu lực thi hành từ 15/5/2015, kết luận thanh tra phải được đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh; đồng thời phải được cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.
Các sai phạm được xác định cụ thể, rõ ràng trong kết luận thanh tra phải được xử lý nhanh chóng, nghiêm minh; các kiến nghị, yêu cầu trong kết luận thanh tra phải được xem xét, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Thực hiện cơ chế 1 cửa , 1 cửa liên thông ở địa phương
Quyết định số 09/2015 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2015.
Quy chế quy định cụ thể về cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông và quy trình thực hiện; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; các nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; cơ quan áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Thí điểm giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Quyết định 08/2015 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế quy định cụ thể về nguyên tắc giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; điều kiện và lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động;...
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2015 đến khi Nghị định của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tham gia và giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội bằng phương thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành.
Quy định mới về tuyển dụng công chức
Thông tư 03/2015 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung quy định về tuyển dụng công chức, có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2015.
Thông tư nêu rõ về quyết định tuyển dụng và nhận việc, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả tuyển dụng của cơ quan quản lý công chức, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức phải gửi thông báo công nhận kết quả trúng tuyển bằng văn bản tới người dự tuyển theo địa chỉ mà người dự tuyển đã đăng ký.
Nguồn VnEconomy