Hàng không Việt Nam: Nhiều điểm chưa thông
Mấy năm gần đây, ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng tích cực nhờ kinh tế vĩ mô tích cực và ngành du lịch phát triển mạnh cả du lịch nội địa và quốc tế. Nhiều dự báo cho thấy, ngành hàng không Việt Nam còn nhiều dư địa tiềm năng để phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực thì còn nhiều điểm nghẽn cần được khơi thông.
Nhiều điểm nghẽn
Một trong những thách thức mà hàng không đang phải đối mặt đến từ vấn đề hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng tại những khu vực trọng điểm.
Thảo luận tại phiên Toạ đàm “Tiềm năng phát triển hàng không” tại hội thảo "Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam" diễn ra vào chiều 26.7 do Bizlive tổ chức.
Ông Đỗ Đức Tú, Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tắc nghẽn hạ tầng là do lượng hành khách qua các cảng hàng không Việt Nam tăng trưởng trên 16%, cao so với mức chung của thế giới, dẫn đến sự tắc nghẽn của các cảng hàng không.
Còn theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC thì hiện tượng này đến từ việc nhiều hãng hàng không chỉ tập trung khai thác các “đường bay vàng”, như chặng bay Hà Nội - TP.HCM, do lợi nhuận hấp dẫn. “Nhưng như vậy, hạ tầng hàng không Hà Nội hay TP.HCM không thể đáp ứng được, đặc biệt khi khách từ các tỉnh cũng phải dồn về hai thành phố này để bay", ông Quyết nói.
Hiện tượng quá tải về hạ tầng không chỉ diễn ra tại các khu vực đô thị trung tâm mà còn diễn ra tại nhiều cảng hàng không địa phương như Thanh Hoá, Quy Nhơn hay Quảng Bình...
“Cảng hàng không Đồng Hới có thiết kế 400 ngàn khách/năm, hiện đang đứng trước tình trạng quá tải khi năm 2017 đã đón 500 ngàn và không dưới 600 ngàn trong năm nay. Đến 2020 là gần 1 triệu khách... Số khách dự kiến sẽ còn tăng rất cao khi khu du lịch gần 2.000 ha với chuỗi sân golf liên hoàn quy mô của FLC đang chuẩn bị đi vào vận hành. Đầu tư nâng cấp cảng hàng không Đồng Hới hiện là vấn đề cấp thiết”, ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nói.
Cần gỡ nhiều “điểm nghẽn”
Mặc dù đánh giá dư địa phát triển ngành hàng không Việt đầy tiềm năng, nhưng hạ tầng cho phát triển, khả năng đáp ứng cho việc biến tiềm năng thành hiện thực thì, theo ông Nguyễn Quý Phương Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch là vẫn còn thấp. Ông Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM cũng cho rằng hạ tầng còn chưa đáp ứng nhu cầu. Ông đề xuất, Việt Nam cần có chính sách quốc gia về hàng không dân dụng.
Theo ông Tống, hàng không tác động lớn đến nền kinh tế. Đơn cử qua tham gia nghiên cứu việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy, nếu bình quân mỗi khách hàng không nội địa chi phí 100 USD thì 10.000 khách đóng góp 1 triệu USD. Nhưng với khách quốc tế đóng góp còn lớn hơn khi mà bình quân chi phí của họ gấp 5 lần là 500 USD.
Vì thế, ông Tống còn khuyến nghị Việt Nam cần có chính sách mạnh, rõ ràng để lôi kéo đầu tư phát triển hàng không, nhất là đầu tư tư nhân. Hiện nay, trên thế giới có 14% sân bay là có sự tham gia của tư nhân, và các sân bay tư nhân này chuyên chở đến 41% khách quốc tế.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nhu cầu nội địa sẽ còn tăng do kinh tế phát triển; trong xu thế mở cửa hội nhập, độ mở của nền kinh tế lớn, và là quốc gia có an ninh tốt, phong cảnh đẹp... chắc chắn lượng khách du lịch đến Việt Nam sẽ còn tăng nhiều kéo theo cầu quốc tế tăng. Hơn nữa, trong các loại giao thông, gồm đường không, đường thủy, đường bộ, đường sắt thì 3 loại kia phát triển ì ạch là cơ hội tốt cho đường không phát triển.
Tuy nhiên, ông Long cũng lưu ý, tiềm năng thì lớn, nhưng ngành hàng không mới phát triển nóng, hạ tầng vẫn không đáp ứng được. Cho nên, để biến tiềm năng thành hiện thực, không chỉ thông điểm nghẽn về hạ tầng mà còn phụ thuộc yếu tố rất quan trọng nữa là kinh nghiệm, bản lĩnh và cách làm của nhà đầu tư.
Nguồn Bizlive/VOV