Ảnh: viettimes.vn
Hàng không tăng trưởng chậm lại, nhiều hãng vẫn muốn bay
Bầu trời ngày càng chật chội
Theo nội dung báo cáo, Vinpearl Air sẽ hoạt động theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hàng không truyền thống và chi phí thấp với tổng số vốn đầu tư là 4.700 tỷ đồng. Thời gian khai thác nội địa và quốc tế dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 7/2020 với đội bay 6 chiếc và sẽ nâng tổng số tàu bay lên 36 chiếc vào năm 2025.
Dù vậy, Cục Hàng Không cũng lưu ý Vinpearl Air về quy mô đội bay 36 chiếc vào năm 2025 có khả năng vượt quá nhu cầu của thị trường. Do vậy, quy mô đội bay của Vinpearl Air nên ở mức 30 máy bay vào năm 2025 là phù hợp.
Với Vietravel Airlines, Cục Hàng không đánh giá mô hình khai thác dự kiến của hãng là cung cấp chuyến bay thuê chuyến (charter), phục vụ du lịch cần được khuyến khích vì hiện tại Việt Nam chưa có hãng nào cung cấp dịch vụ này.
Tuy nhiên, Cục Hàng không cho rằng mô hình này của doanh nghiệp này "tiềm ẩn khó khăn khi chọn mạng đường bay chủ yếu ở các sân bay thứ cấp".
Cụ thể, theo hồ sơ của Vietravel Airlines, hãng này chọn Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài (Huế) làm sân bay căn cứ. Dù vậy, Cục Hàng không phân tích khó khăn xuất phát từ việc khách du lịch thường xuất phát từ các trung tâm như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh.
"Nếu như, trong trường hợp khai thác các chuyến bay charter không hiệu quả, Vietravel Airlines sẽ khai thác thường lệ và sẽ phải sử dụng các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu máy bay qua đêm, điều được cho là sẽ góp phần gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không".
Cơ quan này khuyến cáo Vietravel Airlines cần xây dựng kế hoạch khai thác linh hoạt trong trường hợp thuê chuyến tại các sân bay lớn do sẽ gặp khó khăn trong việc có được các slot (giờ cất, hạ cánh) vì mới tham gia thị trường.
Vận tải hàng không tăng trưởng chậm hơn trong 6 tháng đầu năm 2019. Ảnh: SSI |
Như vậy, nếu được Bộ GTVT chấp thuận và cấp phép bay, Việt Nam sẽ có 7 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco, Vietjet, Bamboo Airways và Vinpearl Air, Vietstar Airlines.
Trước đó, báo cáo Kết quả Kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, vận chuyển hành khách và hàng hóa nói chung đều có xu hướng tăng trưởng chậm lại so với năm 2018. Lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 7,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 20% của năm 2018. Vận chuyển hàng hóa cũng tăng khiêm tốn 3,1% so với mức tăng 13% của năm 2018.
Số liệu vận chuyển đường hàng không của ACV cũng cho xu hướng tương tự, tổng lượng hành khách đạt 57,4 triệu khách, tăng 9,6% và hàng hóa đạt 746 nghìn tấn chỉ tăng 3,4% trong 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó, lượng khách trên các đường bay quốc tế tăng tích cực hơn 13,4% nhờ lượng khách nội di chuyển trên các đường bay quốc tế tăng mạnh, trong khi các tuyến nội địa chỉ tăng 7,6%. Tương tự, vận chuyển hàng hóa nội địa giảm 5,8% cũng kéo giảm tăng trưởng chung trong khi hàng hóa quốc tế phục hồi và tăng 9% so với 2018.
Thị phần ngành hàng không có sự thay đổi lớn trong nửa đầu năm 2019. Ảnh: SSI |
Trong quý II/2019, thị phần hàng không có sự thay đổi rõ rệt. Bamboo Airways mới tham gia thị trường và từng bước nâng thị phần, đạt 4,2% trong 6 tháng đầu năm 2019. Vietjet Air tiếp tục tăng trưởng với số chuyến bay khai thác tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018, nâng thị phần lên 44%, ngược lại Vietnam Airlines giảm mạnh 17% đưa thị phần về mức 35,9%, Jetstar Pacific chiếm 13,9% và VASCO 2%.
Động lực tăng trưởng đến từ đâu?
Trong một báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán MB (MBS) dự báo thị trường hành khách nội địa sẽ tăng trưởng CAGR 5,9%/năm cho giai đoạn 2018-2025 với động lực tăng trưởng đến từ mức thu nhập người dân tăng lên, cơ cấu dân số vàng với tỷ trọng tầng lớp trung lưu tăng lên, và tỷ lệ hành khách nội địa trên tổng dân số vẫn ở mức thấp.
Thị trường hành khách quốc tế được MBS dự báo tăng trưởng CAGR 11,4%/năm cho giai đoạn 2018-2025, động lực tăng trưởng từ thị trường du lịch đi và đến Việt Nam.
MBS nhận định rằng sự phát triển của các hãng hàng không trong tương lai sẽ tập trung sang thị trường quốc tế khi thị trường nội địa tăng trưởng chậm lại, rào cản thị phần lớn. Vietnam Airlines có lợi thế về chất lượng dịch vụ trên thị trường quốc tế với thương hiệu Hãng hàng không Quốc gia, tiêu chuẩn Skytrax 4 sao. Tuy nhiên, MBS đánh giá Vietnam Airlines hưởng ít lợi hơn so với VietjetAir từ nhóm du khách quốc tế đến Việt Nam. Đón đầu xu hướng này, MBS nhận định phương hướng xây dựng Cam Ranh, Đà Nẵng thành các “international hub” của VJA sẽ giúp VJA tiếp tục gia tăng thị phần hành khách quốc tế trong các năm tới, là động lực tăng trưởng cho VJA.
►Chen chân vào chuỗi giá trị hàng không