Sự phục hồi đang làm rõ hơn bức tranh thị phần của các hãng hàng không vốn đã thay đổi rất nhiều từ năm 2017. Ảnh: Quý Hòa

 
Hoàng Hà Thứ Hai | 31/10/2022 14:00

Hàng không nặng cánh phục hồi

Dù các sân bay đã nhộn nhịp trở lại nhưng các hãng hàng không vẫn đối mặt với nhiều rủi ro trước khi có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Hình ảnh các sân bay chật kín khách đang quay trở lại, mang đến tín hiệu lạc quan cho thị trường hàng không sau thời gian dài khủng hoảng vì dịch bệnh.

Giá xăng làm lu mờ triển vọng phục hồi 
Theo Cục Hàng không Việt Nam, 10 tháng năm 2022, sản lượng hành khách qua các cảng hàng không Việt Nam đạt hơn 81 triệu lượt khách. Dự báo trong năm 2022, tổng số lượng hành khách qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 100 triệu lượt so với 120 triệu lượt của năm 2019 (thời điểm trước dịch). Còn theo Tổ chức Nghiên cứu thông tin hàng không, đường bay Hà Nội - TP.HCM là đường bay nhộn nhịp nhất tại khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 toàn thế giới trong tháng 9 với hơn 959.309 vé bán.

 

“Thị trường quốc nội tăng trưởng cao, được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất sau dịch COVID-19, song thị trường quốc tế hiện mới phục hồi được khoảng 50%”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết. 

Sự phục hồi đang làm rõ hơn bức tranh thị phần của các hãng hàng không vốn đã thay đổi rất nhiều từ năm 2017. Vietnam Airlines chứng kiến thị phần giảm dần qua từng năm, từ 54,1% năm 2017 xuống còn 45,3% trong tháng 9, trong khi Vietjet và Bamboo Airways đang dần chiếm lĩnh thị phần. Trong số các hãng hàng không, Vietjet có sự phục hồi mạnh mẽ nhất về số lượng chuyến bay với mức tăng trưởng 9 tháng là 147,8% so với cùng kỳ, tiếp theo là Vietnam Airlines (119,3%) và Bamboo Airways (87,6%).

Mặc dù vậy, triển vọng phục hồi của các hãng hàng không bị lu mờ bởi giá nhiên liệu cao. Giá xăng máy bay năm 2022-2023 duy trì ở mức cao nhất kể từ năm 2015, gây nhiều khó khăn cho các hãng hàng không. Trong xu hướng này, các hãng hàng không giá rẻ (LCC) sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với các hãng hàng không truyền thống (FSC).
Theo đó, máy bay của Vietjet đều là máy bay thân hẹp, đường ngắn nên mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình/ASK thấp hơn so với Vietnam Airlines vì khoảng 30% số máy bay của hãng này là máy bay đường dài thân rộng. Do đó, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo biên lợi nhuận gộp của Vietjet sẽ khả quan trong năm 2022-2023 khoảng 0,4%/2%, trong khi biên lợi nhuận gộp của Vietnam Airlines có thể chỉ đạt -3,5%/1,4% trong cùng thời kỳ.

Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến các hãng hàng không bị lỗ tỉ giá khi đánh giá lại các khoản nợ bằng USD. Ảnh: Quý Hòa
Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến các hãng hàng không bị lỗ tỉ giá khi đánh giá lại các khoản nợ bằng USD. Ảnh: Quý Hòa

Đại diện Vietnam Airlines thừa nhận thị trường hàng không Việt Nam vẫn còn khó khăn trong năm nay và năm 2023. Do đó, các hãng hàng không cần nhiều phương án để duy trì hoạt động tiến tới thoát khỏi khủng hoảng và có lãi. Vietnam Airlines kỳ vọng nếu không có các yếu tố bất thường xảy ra, Hãng sẽ bắt đầu có lãi từ năm 2023.

USD tăng kéo lùi lợi nhuận
Một nỗi lo khác trong thời điểm này là đồng USD tăng giá và lãi suất USD tăng mạnh. Xu hướng này tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp thâm dụng vốn như các hãng hàng không, khi hầu hết đều tài trợ cho đội bay bằng USD. Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến các hãng hàng không bị lỗ tỉ giá khi đánh giá lại các khoản nợ bằng USD.

Ngoài ra, chi phí đầu tư máy bay (bán bằng USD) cũng trở nên đắt đỏ hơn khiến việc mở rộng đội bay khó khăn hơn. “Lãi suất tăng trong khi lãi suất tài trợ cho đội bay hiện tại thường cố định nên chi phí lãi vay không bị ảnh hưởng nhiều. Mặc dù vậy, khi tài trợ cho đội bay mới trong giai đoạn này, các hãng hàng không phải vay với lãi suất cao hơn và có thể ảnh hưởng đến kết quả trong tương lai”, chuyên gia của VNDirect nhận định.

 

Đối với các hãng hàng không trong nước, Vietnam Airlines có tỉ trọng cho vay bằng USD trên tổng dư nợ lớn nhất lên tới 66,3% với số dư vay USD là 21.815 tỉ đồng đến ngày 30/6/2022 trong khi tỉ trọng của Vietjet chỉ là 17,2% với số dư 3.227 tỉ đồng. Do đó, Vietjet ít phải chịu rủi ro hơn liên quan đến đồng USD mạnh lên và lãi suất USD tăng. Hơn nữa, tỉ lệ đòn bẩy của Vietjet an toàn hơn, cho phép Hãng có khả năng tài trợ cho việc mở rộng đội bay nhằm phục hồi hoạt động vận tải hàng không quốc tế trong giai đoạn tới. Ngược lại, quy mô đội bay của Vietnam Airlines giảm sẽ hạn chế tiềm năng phục hồi của hãng này trong khi Bamboo Airways gặp phải các vấn đề trong giai đoạn tái cơ cấu.

VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của Vietjet có thể đạt 1.317 tỉ đồng trong năm 2022 từ mức 175 tỉ đồng trong năm 2021, sau đó tăng 168,3% so với cùng kỳ trong năm 2023 đạt 3.533 tỉ đồng. Vietjet là hãng hàng không có tỉ lệ đòn bẩy thấp nhất hiện tại, nhờ đó có thể đảm bảo cho các kế hoạch phát triển đội bay trong tương lai. Vì vậy, Hãng có nhiều cơ hội để nắm bắt sự phục hồi của ngành hàng không Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, nhận định: “Thị trường hàng không Việt Nam trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc. Do đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp không tương ứng với doanh thu, cộng thêm gánh nặng từ giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều”.

Bên cạnh việc ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và mở rộng đội bay của các hãng hàng không hiện tại, tỉ giá VND/USD tăng và lãi suất USD tăng cũng có thể ảnh hưởng đến việc vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không bằng USD trong các giai đoạn tới. Trong đó, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dự kiến vay 2,5 tỉ USD cho siêu dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.