Hãng hàng không Nhật muốn mua 20% cổ phần Vietnam Airlines
Theo Financial Times, hãng hàng không ANA của Nhật Bản hiện đang lên kế hoạch mua cổ phần chiến lược tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines. Đây là một bước tiến mới của hãng hàng không này nhằm hướng đến phát triển hơn nữa thị phần tại Châu Á.
Ông Shinichiro Ito - Chủ tịch ANA, cho biết việc ANA đang đàm phán mua cổ phần tại một vài hãng hàng không khác. Theo ông Ito, đây là là một phần nằm trong chuỗi chiến lược hướng đến mục tiêu mở rộng thị trường quốc tế nói chung cũng như gia tăng sự cộng hưởng tại thị trường Châu Á nói riêng. Ông Ito nhấn mạnh rằng đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh có quá nhiều đối thủ cạnh tranh đang thâm nhập vào thị trường này khiến sự cạnh tranh ngày một khốc liệt hơn bao giờ hết.
Được biết, hãng hàng không ANA đã tìm kiếm một cơ hội đầu tư vào lĩnh vực hàng không Đông Nam Á, kể từ khi huy động được thêm lượng vô 170 tỷ yen (tương đương 1,4 tỷ USD) trong năm 2012. Tuy nhiên các cuộc đàm phán với những đối tác tiềm năng vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng.
Năm ngoái, hãng ANA đã phải hủy bỏ kế hoạch mua vào 49% cổ phần của hãng hàng không Asian Wings Airways của Myanmar (tương đương 25 triệu USD). Nguyên nhân chỉ vì cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi thị trường Myanmar mở cửa trong thời gian gần đây.
Ông Ito cho rằng việc các hãng hàng không tại Châu Á đa phần do chính phủ nắm giữ là trở ngại lớn nhất cho các cuộc đàm phán của hãng. Theo ông điều này là dễ hơn nhiều tại Châu Âu hay Mỹ.
"Các cuộc đàm phán gần như không thể đi đến thống nhất cuối cùng. Do đó, thay vì mua toàn bộ một công ty, chúng tôi sẽ nắm giữ lượng cổ phần nhỏ tại nhiều hãng, từ đó từng bước thâm nhập vào thị trường này", ông nói.
Còn theo dự báo của ông Ryota Himeno, chuyên gia phân tích của ngân hàng Barclays thì nhận định rằng trong vòng 5 năm tới nhiều hãng hàng không châu Á có thể sẽ sáp nhập lại với nhau.
“Một khi những hãng hàng không giá rẻ gia tăng thị phần nhiều hơn, sẽ tạo ra nhiều áp lực lên các hãng hàng không truyền thống, và khi đó các thương vụ sáp nhập xẩy ra là điều rất dễ hiểu. Chính vì thế ANA đang theo dõi rất kỹ các cơ hội này", ông Himeno nhận định. Ông cũng cho biết thêm các hãng hàng không của Nhật Bản sẽ đóng vai trò trung tâm trong quá trình cơ cấu lại ngành hàng không châu Á bởi tiềm lực tài chính rất mạnh.
Ông Himeno cho rằng rằng việc ANA mua cổ phần trực tiếp có lợi hơn so với việc thành lập liên doanh, bởi nó sẽ giúp ANA có nhiều lợi thế trong đàm phán cũng như giành được nhiều chỗ đỗ hơn tại các sân bay châu Á.
Trong đó, Việt Nam nổi lên như là một điểm đến hấp dẫn nhất đối với hãng ANA. Chính phủ Việt Nam đang tìm kiếm đối tác chiến lược để mở rộng Vietnam Airlines, sau khi hãng này bán 5% cổ phần cho nhà đầu tư tại đợt IPO năm ngoái. Một nguồn tin thân cận cho biết Chính phủ còn muốn bán thêm 20% nữa cho một đối tác bên ngoài.
Theo số liệu thống kê cho biết trong vòng 4 năm từ 2011-2014, dòng vốn đầu tư FDI của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng lên gấp 3 lần, đạt mức tổng cộng hơn 9 tỷ USD.
Tuệ Nghi
Nguồn FT