Hàng chục tỉ đồng tín dụng đen không kiểm soát
Đó là những nhận định được tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương, đưa ra tại Hội thảo Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế, do Ban Kinh tế trung ương và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức sáng 14/10 ở Hà Nội.
Theo TS Võ Trí Thành, tín dụng đen là một phần trong khái niệm “shadow banking” (ngân hàng ngầm, tín dụng phi chính thức). Tuy “ngân hàng ngầm” không hoàn toàn mang nghĩa xấu, nhưng tín dụng đen nói riêng và ngân hàng ngầm nói chung để lại những hệ lụy cho kinh tế - xã hội.
Tác động dễ thấy nhất là việc khiến các cơ quan điều hành không kiểm soát được nguồn cung tiền, cung tín dụng một cách đầy đủ. Hơn nữa, khi khó khăn, tín dụng đen đổ vỡ thì sẽ không chỉ dừng lại là câu chuyện kinh tế, mà còn là vấn đề lòng tin, những vấn đề quan hệ xã hội khác. TS Võ Trí Thành cho rằng, cần phải dần dần chính thức hóa được các luồng tín dụng này.
Tiến sĩ Thành cho biết, ở Trung Quốc “các ngân hàng ngầm” cũng chiếm từ 30%- 60% GDP.
Theo ông Con English – Trưởng nhóm hỗ trợ giám sát Ngân hàng Trung ương Ailen, vấn đề ngân hàng ngầm là một khía cạnh khác trong cải cách tài chính và cũng cần được quan tâm.
Hiện nay, tỉ lệ ngân hàng ngầm trên thế giới ước tính bằng 25%-30% tổng hệ thống tài chính đang hoạt động giống như ngân hàng, nhưng không bị điều tiết như ngân hàng. Các ngân hàng này nắm giữ 22% nguồn quỹ ngắn hạn của các chính phủ, doanh nghiệp và 38% các chứng khoán ngân hàng. Đây là một con số đáng kể.
Nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng việc tồn tại “ngân hàng ngầm” hay còn gọi là tín dụng đen với con số như vậy là không nhỏ. Điều này còn thể hiện niềm tin của người dân đối với thị trường tín dụng chính thống.
“Một khi niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính chính thống bị giảm sút thì đó là cơ hội cho tín dụng đen hoạt động. Như vậy là rất nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến ổn định xã hội”. Ông Khoan bình luận và cho rằng, để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen, Nhà nước không nên áp dụng biện pháp hành chính mà cần có giải pháp làm lành mạnh thị trường tín dụng chính thống, tạo niềm tin nơi người dân. Khi ấy tự khắc tín dụng đen không có chỗ để hoạt động.
Hạn chế can thiệp hành chính
Bàn về giải pháp tái cấu trúc thị trường tài chính, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho biết thị trường tài chính Việt Nam có ba cấp bậc.
Một là hệ thống các tổ chức tín dụng chịu gánh nặng quá lớn trong việc cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp. Hai là thị trường thiếu vốn dài hạn nên các tổ chức tín dụng phải dùng một lượng khá lớn nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ các dự án trung dài hạn, từ đó gây nhiều rủi ro kỳ hạn cho các tổ chức tín dụng. Thứ ba, trong khi quy mô ngân hàng thương mại còn nhỏ thì thị phần của bốn ngân hàng thương mại lớn đã chiếm trên 50% toàn hệ thống ngân hàng.
“Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách trong việc lựa chọn giải pháp để tái cấu trúc lại thị trường tài chính. Nếu cho ra đời các ngân hàng thương mại quy mô tầm cỡ khu vực sẽ làm gia tăng tình trạng thị phần của một nhóm các ngân hàng thương mại quá lớn, gia tăng rủi ro tiềm ẩn hệ thống”, ông Ngoạn nói.
Do đó, tiến sĩ Võ Trí Thành đề nghị Chính phủ cần từ bỏ việc sử dụng các biện pháp hành chính và khuôn mẫu hoạch định chính sách dựa trên các biện pháp hành chính. Vì các biện pháp hành chính chỉ tạo ra tác động trong một thời gian ngắn nhưng lại thiếu bền vững.
(Theo VnMedia)