Thứ Tư | 30/07/2014 20:24

Hancorp: Sau cổ phần hóa, kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 10%

Đối với kế hoạch đầu tư trong giai đoạn này, HANCORP cho biết chỉ tập trung vào các dự án phát triển nhà và khu đô thị.
Ngày 30/07, Tổng công ty xây dựng Hà Nội - CTCP (.HANCORP) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần đầu tiên để thông qua kế hoạch kinh doanh đến năm 2017 sau khi cổ phần hóa thành công vào đầu năm.

Sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn giữ gần 99% vốn
Đầu năm 2014, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa của HANCORP và chuyển thành Công ty cổ phần. Theo đó, cổ phần phát hành lần đầu gồm 190 triệu cp, trong đó Nhà nước giữ 139,4 triệu cp chiếm 73,37% vốn, bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 857.700 cp, tương ứng 0,45% và bán ra bên ngoài thông qua đấu giá 49,74 triệu cp, chiếm 26,18% vốn.

Khi đó, số cổ phần đấu giá ra bên ngoài có giá khởi điểm là 10.200 đồng/cp.

Tuy nhiên, kết thúc phiên đấu giá ngày 21/03/2014, chỉ có 1.575.700 cp chào bán thành công với tổng giá trị hơn 16 tỷ đồng.

Với kết quả này, Bộ xây dựng đã có thông báo điều chỉnh phương án cổ phần hóa của HANCORP. Theo đó, vốn điều lệ của HANCORP là 1.411 tỷ đồng, tương ứng cổ phần 141,08 triệu cp, gồm Nhà nước nắm 139,4 triệu cp, hay 98,83% vốn; người lao động nắm 252.600 cp và cổ đông khác 1.395.792 cp.

Một điểm đáng chú ý là kết quả kinh doanh của HANCORP lại "thụt lùi" kể từ năm 2010. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ từ năm 2011 và 2012 liên tục giảm lần lượt 55% và 86%.

a
Kế hoạch tăng trưởng 10% sau 3 năm cổ phần
Đại hội đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh 3 năm sau khi HANCORP cổ phần hóa. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trong giai đoạn 3 năm từ 2015 đến 2017 của HANCORP được đặt ra ở mức gần 10%, cổ tức theo đó cũng lần lượt tăng từ 7% năm 2015 lên 9% năm 2017.

Phương án sản xuất kinh doanh 3 năm sau khi cổ phần hóa
Phương án sản xuất kinh doanh 3 năm sau khi cổ phần hóa

Đối với kế hoạch đầu tư trong giai đoạn này, HANCORP cho biết chỉ tập trung vào các dự án phát triển nhà và khu đô thị.

Trong 7 tháng đầu năm 2014, HANCORP thực hiện 1,054 tỷ đồng doanh thu, đạt 52% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Theo đó, Tổng công ty đã trực tiếp tham dự đấu thầu 30 công trình và trúng thầu 5 công trình với tổng giá trị 860 tỷ đồng, trong đó, công trình Đại học Thủy lợi có giá 600 tỷ đồng.

Các khoản đầu tư dài hạn của HANCORP vào các công ty liên doanh, liên kết chủ yếu là các khoản đầu tư vào các dự án hạ tầng dài hạn. Trong đó, khoản đầu tư có giá trị lớn nhất bao gồm: đầu tư vào CTCP Đèo Cả - dự án BOT Đèo Cả (228 tỷ đồng), CTCP Xi măng Mỹ Đức (149 tỷ đồng), CTCP BOT Phú Mỹ - Dự án BOT Cầu Phú Mỹ (83 tỷ đồng), CTCP Thủy điện Quế Phong (81 tỷ đồng).

Tính đến hiện tại, HANCORP đã thoái được gần 53 tỷ đồng tại CTCP Đèo Cả và 77 tỷ đồng tại Công ty Ngôi sao An Bình. Dự kiến đến cuối năm 2014, HANCORP sẽ tiếp tục thoái 53 tỷ đồng tại Công ty Đèo Cả và 81 tỷ đồng tại CTCP Thủy điện Quế Phong.

Cổ đông cũng đã thống nhất phương án kinh doanh cho thời gian còn lại của năm 2014 đối với HANCORP. Cụ thể, doanh thu 5 tháng cuối năm 2014 được đưa ra tại 1.004,7 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 64,64 tỷ đồng và cổ tức 6%.

Bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2014-2019

Tại Đại hội, các cổ đông đã thống nhất bầu ra các thành viên HĐQT và BKS cho nhiệm kỳ 2014 - 2019.

Các thành viên HĐQT:

Bùi Xuân Dũng
Ông Nguyễn Minh Cương
Ông Nghiêm Sỹ Minh
Ông Nguyễn Đỗ Quý
Ông Đậu Văn Diện

Các thành viên BKS:

Võ Thị Thu Hương
Đinh Công Thụy
Dương Mạnh Hùng

Nguồn Vietstock


Sự kiện