Hàn Quốc và Nhật Bản rót gần 90 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm, cả nước có 1.145 dự án mới với tổng vốn đăng ký là 7,5 tỷ USD, tăng 95% so với cùng kỳ. Đồng thời có 535 dự án tăng vốn lên 3,8 tỷ USD, tăng 129% so với cùng kỳ.
Như vậy, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 11,3 tỷ USD, tăng 105% so với cùng kỳ.
Đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,99 tỷ USD, chiếm 35% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,23 tỷ USD. Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,13 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư.
Luỹ kế, Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 48,5 tỷ USD FDI vào 5.364 dự án. Trong khi Nhật Bản đầu tư khoảng 39,8 tỷ USD với 3.117 dự án. Như vậy, hai đại gia châu Á này đã rót tổng cộng khoảng 88,3 tỷ USD vào Việt Nam.
Ở thập kỷ trước, dòng vốn FDI của Nhật vào Việt Nam rất dồi dào nhưng trong 2 năm gần đây việc đầu tư bị chậm lại. Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đã vươn lên và bỏ xa Nhật Bản về lượng vốn đầu tư và số dự án tại Việt Nam.
Trong nửa đầu năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 8 tỷ USD.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 25 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 605 triệu USD. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 562 triệu USD.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh thành phố, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn nhất với 39 dự án mới và bổ sung với hơn 1,7 tỷ USD. Hà Nội đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,63 tỷ USD. Tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai đều đạt trên dưới 1 tỷ USD.
Một số dự án lớn được cấp phép trong nửa đầu năm 2016 là dự án LG Display Hải Phòng với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD chuyên sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng.
Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung, tổng vốn 300 triệu USD nhằm nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao tại Hà Nội.
Dự án nhà máy điện gió Hàn Quốc Trà Vinh (giai đoạn 2), tổng vốn 247,6 triệu USD, chuyên sản xuất điện từ năng lượng gió cung cấp vào lưới điện quốc gia.
Ngoài ra, một số dự án khác như Midtown kinh doanh bất động sản, dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống, dự án Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương của Đài Loan đều có vốn đầu tư trên 200 triệu USD.
Nguồn Vnexpress