Hạn mức tín dụng nông nghiệp, nông thôn không bảo đảm lên tối đa 3 tỷ đồng
Dự thảo nghị định mới có nhiều điểm thay đổi và bổ sung, cùng các quy định chặt chẽ và cụ thể hơn so với nghị định ban hành ngày 12/4/2010. Cụ thể, đối tượng tham gia được mở rộng như các hợp tác xã, tổ hợp tác chỉ cần tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh là có thể được cấp tín dụng mà không cần ngay tại địa bàn nông thôn. Đồng thời, các doanh nghiệp cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp cũng nằm trong đối tượng thụ hưởng chính sách.
Về cơ chế đảm bảo tiền vay không có tài sản đảm bảo, dự thảo nghị định mới quy định các cá nhân, hộ gia đình cư trú tại nông thôn được vay tối đa 100 triệu đồng thay vì chỉ 50 triệu như nghị định năm 2010. Hộ kinh doanh được vay tối đa 300 triệu, tăng so với mức 200 triệu. Ngoài ra, trong dự thảo nghị định cũng quy định đối với hộ nuôi trồng thuỷ, hải sản hay khai thác xa bờ có ký hợp đồng với cơ sở và xuất khẩu trực tiếp thì được cho vay tối đa 500 triệu đồng.
Riêng hợp tác xã, chủ trang trại được vay tối đa 1 tỷ đồng so với mức quy định trước kia là 500 triệu đồng. Trong dự thảo nghị định còn bổ sung về hợp tác xã nuôi trồng hay khai thác xa bờ hay cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác xa bờ thì được cho vay 2 tỷ đồng.
Nếu như trong Nghị định 2010 không có quy định về liên hiệp hợp tác xã thì trong dự thảo nghị định mới này có đưa ra cơ chế vốn cho vay của loại hình này lên đến 3 tỷ đồng nếu hoạt động nuôi trồng thuỷ sản hay khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.
Về trích lập dự phòng rủi ro, trong nghị định trước thì trích lập dự phòng theo thực tế phát sinh và không phân biệt khoản cho vay có tài sản đảm bảo hay không đảm bảo, trong khi dự thảo nghị định mới quy định nếu là khoản cho vay không đảm bảo thì xác đinh theo tài sản có đảm bảo là quyền sử dụng đất của khách hàng và mức trích lập dự phòng không quá 50% vốn vay.
Về vấn đề bảo hiểm trong nông nghiệp, dự thảo quy định cụ thể khách hàng nếu tham gia vào mua bảo hiểm nông nghiệp thì giảm tối thiếu là 0,1%/năm so với các lãi suất của những khoản vay cùng loại và cùng thời hạn.
Ngoài ra, dự thảo nghị đinh cũng đã đề cập về việc ưu tiên cấp tín dụng cho các loại hình nông nghiệp, nông thôn hiện đại hơn theo mô hình liên kết với nhau hay ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng,...như được cấp tín dụng tối đa 70% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ, hay dự án liên kết và 80% giá trị dự án sử dụng thiết bị công nghệ cao, mặt khác các loại hình này được ưu tiên xem xét lại thời hạn trả nợ, đồng thời vẫn có thể cho vay nợ mới nếu nằm trong quy định của nghị định.
Nguồn Theo DVO