Hạn hán nghiêm trọng đến sớm tại Tây Nguyên
Tại Đắk Nông, nhiều diện tích lúa chết khô hoặc hạn hán nghiêm trọng. Mực nước tại các hồ đập lớn ở huyện Krông Nô đã xuống dưới mực nước chết. Hồ chứa Đắk Mâm (xã Nam Đà) có dung tích chứa gần 1 triệu m3 nhưng hiện cạn đáy.
Tại Gia Lai, hạn hán ảnh hưởng gần 3.000ha cây trồng của huyện Kông Chro, trong đó có 1.136ha bị mất trắng, các nơi khác giảm năng suất từ 30% - 50%. Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Gia Lai, nắng hạn làm cho hơn 8.000ha cây trồng các loại tại các huyện Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro, Ia Pa và thị xã An Khê thiệt hại nặng và mất trắng.
Tại Kom Tum, tình trạng khô hạn, cây trồng thiếu nước tưới xuất hiện trên diện rộng. Sau Tết, nhu cầu tưới nước cho cây cà phê ở vùng chuyên canh cà phê Đăk Hà rất lớn song các hồ thủy lợi ở Đắk Hà cũng sắp cạn, nên chỉ vài ngày nữa sẽ không còn nước để bơm tưới.
Mực nước trên các sông suối ở Đắk Lắk và Đắk Nông hiện đang thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong khi đó, mực nước nhiều hồ thủy điện trên sông Srêpốk chỉ còn khoảng 50% dung tích nên thủy điện chỉ xả cầm chừng.
Toàn tỉnh Đắk Lắk có 665 công trình thủy lợi theo thiết kế có thể tưới cho 26.000ha lúa đông xuân, 48.000ha lúa vụ mùa, 132.838ha cà phê và 14.708ha cây hoa màu các loại. Nhưng hiện nay, nước trong các hồ chứa chỉ đạt khoảng 70% so với thiết kế. Trong khi đó, mực nước tại hơn 150 hồ thủy ở Đắk Nông cũng đã bắt đầu giảm nghiêm trọng.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, mực nước trên các sông, suối hiện cũng đã xuống rất thấp.Thời tiết khô hạn trên diện rộng khu vực Bắc Tây Nguyên khiến các hồ thủy điện trên sông Ba (ở Gia Lai) chỉ tích nước được từ 40% - 60% so với mọi năm.
Ông Nguyễn Đại Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Đắk Lắk cho biết trong tháng 3 này, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ có mưa trái mùa nhưng lượng mưa không đáng kể nên chưa thể làm dâng mực nước ngầm.
Nếu thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 3, sẽ có nhiều diện tích cà phê, lúa ở Đắk Lắk - Đắk Nông thiếu nước tưới trầm trọng và có nguy cơ khô cháy.
Nguồn SGGP