Thứ Hai | 19/01/2015 08:54

Hạn hán, lũ lụt giúp giá một số hàng hóa thoát đà lao dốc

Ít nhất, giới đầu tư hàng hóa đang có thời tiết ở phe mình.

Mặc dù giá hầu hết nguyên liệu thô, từ dầu thô, nickel đến ngô, đang rơi vào thị trường giá xuống, nhưng những đợt lạnh giá và hạn hán lại đang giúp một số hàng hóa khác tăng giá.

Đợt băng giá tuần trước tại Mỹ đã giúp giá khí đốt thiên nhiên có mức tăng lớn nhất trong 11 tháng. Thời tiết khô hạn tại Brazil, nước sản xuất cà phê và đường hàng đầu thế giới, khiến giá 2 mặt hàng này tăng mạnh. Những cơn mưa lớn bất thường tại Malaysia đã đẩy giá dầu cọ lên cao nhất kể từ tháng 7/2014.

Donald Selkin, chiến lược gia thị trường tại National Securities Corp trụ sở tại New York, hôm 16/1 cho biết, thời thiết luôn luôn là yếu tố không thể đoán trước được.

Chỉ 6 trong số 22 hàng hóa trong Chỉ số Hàng hóa Bloomberg tăng trong tháng 1, với 4 mặt hàng tăng nhờ thời tiết. Giá vàng và giá bạc lên cao do bất ổn kinh tế tại châu Âu. Nói chung, tháng 1/2015 vẫn tiếp tục nối dài chuỗi thời gian “tồi tệ” của nhiều hàng hóa khi giá dầu thô, lúa mỳ và đồng giảm 17% trong năm 2014, chạm mức thấp nhất 12 năm hôm 14/1.

Tình trạng giảm giá trở nên trầm trọng hơn do dư cung toàn cầu của nhiều mặt hàng từ ngũ cốc đến dầu thô và những biến động về thời tiết.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York đã tăng 2,6% trong năm nay lên 1,71 USD/pound khi thời tiết khô hạn đe dọa sản lượng cà phê tại Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu. Năm 2014, giá cà phê arabica tăng 50% khi sản lượng giảm mạnh do ảnh hưởng của đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 8 thập kỷ tại Brazil.

Donald Keeney, nhà khí tượng học tại MDA Weather Services trụ sở tại Gaithersburg, Maryland, cho biết, năng suất cà phê sẽ lại giảm khi độ ẩm của đất thấp hơn 65-70% so với mức trung bình trong 30 ngày qua. Tình trạng khô hạn sẽ tiếp tục tại bang Minas Gerais và Bahia trong tháng này.

Điều kiện thời tiết khô hạn cũng ảnh hưởng xấu đến sản lượng mía đường tại bang Minas Gerais, Bahia và Espirito Santo khi lượng mưa tính đến 13/1 chỉ bằng 15% so với mức thông thường kể từ 31/12/2014. Giá đường kỳ hạn trên sàn ICE tăng 5,6% trong tháng này lên mức cao nhất 5 tuần 15,49 cent/pound hôm 16/1.

Tại Malaysia, cung cấp 1/3 sản lượng dầu cọ toàn thế giới, lũ lụt đang khiến sản lượng dầu cọ giảm mạnh. Đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ và Ủy ban Dầu cọ ước tính sản lượng tháng 12/2014 giảm mạnh nhất 8 năm qua.

Giá dầu cọ kỳ hạn hôm 15/1 đạt 2.394 ringgit (673 USD)/tấn, cao nhất kể từ tháng 7/2014. Năm nay, giá dầu cọ đã tăng 2% và có thể đạt 2.500 ringgit/tấn trong năm 2015, RHB Investment Bank Bhd trụ sở tại Kuala Lumpur ước tính. 

Nguồn DVO/Bloomberg