Thứ Ba | 16/10/2012 10:29

Hạn chế xe cá nhân ở đô thị lớn thiếu một lộ trình mạch lạc

Đề xuất chưa nên hạn chế xe máy mà tập trung vào ô tô cá nhân, đồng thời phải tăng cường phát triển giao thông công cộng.
Bộ Xây dựng đã có văn bản góp ý gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Đề án Hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, cần có đánh giá việc thực hiện các loại thuế, phí và tác động của nó đối với người dân. Việc tăng các loại thuế này nên áp dụng trên phạm vi cả nước, chứ không chỉ đối với các thành phố lớn, đồng thời phải có lộ trình điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ này cũng đề nghị Bộ GTVT phân định rạch ròi loại phương tiện nào là phương tiện cá nhân cần hạn chế, phương tiện vận tải hành khách công cộng cần phát triển. Qua đó, điều chỉnh mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân đến năm 2020 về cùng tiêu chí giữa loại xe con và taxi, xe gắn máy và xe đạp, xe buýt và xe khách; đường sắt đô thị.

Liên quan tới kịch bản hạn chế phương tiện cá nhân, Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung chỉ tiêu giảm thị phần của phương tiện cá nhân tham gia giao thông so với hiện tại và tốc độ phát triển phương tiện cá nhân giảm so với dự báo. Trước đó cần thống nhất tiêu chí về thị phần phương tiện vận tải hành khách công cộng giữa kịch bản được lựa chọn và mục tiêu đến năm 2020.

Quan điểm này của Bộ Xây dựng đã nhận được sự chia sẻ của Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội và không ít chuyên gia. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho rằng, không nên hạn chế xe máy trong giai đoạn đầu, do đây là phương tiện giao thông của hầu hết người dân. Thay vào đó, cần điều chỉnh sự tham gia giao thông của ô tô cá nhân, nhằm nhường đường cho xe buýt, tạo điều kiện ưu tiên phát triển giao thông công cộng.

Tại cuộc họp đóng góp ý kiến cho dự thảo Đề án trên do UBND Hà Nội tổ chức vào cuối tháng 8/2012, nhiều đại biểu cho rằng, cần thiết phải ban hành quy định hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, có các nội dung mà một số sở, ngành đề xuất bãi bỏ, như chứng minh có chỗ đỗ xe để được sở hữu ô tô con, bởi vì biện pháp này đã từng được triển khai, nhưng không khả thi.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, dự thảo Đề án mới chỉ đưa các đề xuất lấy ý kiến nhiều lần rồi chỉnh sửa hoàn thiện. Sau đó, mới trình lên Chính phủ để Chính phủ lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương lần cuối.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện