Thứ Sáu | 09/08/2013 10:52

Hạn chế sử dụng ngoại hối

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành dự thảo hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối, dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2014.
Theo đó, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối;

Bên cạnh đó, không được quy đổi giá hàng hoá, dịch vụ bằng VNĐ ra ngoại hối tương đương hoặc quy định điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ theo tỷ giá hối đoái giữa VNĐ và các loại ngoại tệ hoặc dưới các hình thức bảo đảm giá hàng hoá, dịch vụ bằng ngoại hối khác.

Dự thảo cũng đưa ra 17 trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Thứ 1, tổ chức tín dụng được phép giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận bằng ngoại hối trong phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thứ 2, tổ chức khác được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối được giao dịch và niêm yết bằng ngoại tệ trong phạm vi cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thứ 3, người cư trú là tổ chức được điều chuyển vốn nội bộ bằng ngoại tệ chuyển khoản theo quy định.

Thứ 4, người cư trú được góp vốn bằng ngoại tệ chuyển khoản để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ 5, người cư trú thực hiện hợp đồng uỷ thác nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định.

Thứ 6, người cư trú là nhà thầu trong nước, nhà thầu nước ngoài hoạt động theo Luật Đấu thầu và các quy định có liên quan của pháp luật được báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ chủ đầu tư, nhà thầu chính số ngoại tệ để thanh toán các chi phí liên quan được quy định trong hợp đồng thầu bao gồm: tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ, chi trả lương, thưởng, phụ cấp cho người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài và các khoản thanh toán ra nước ngoài khác.

Thứ 7, người cư trú là doanh nghiệp bảo hiểm được báo giá, định giá, ghi giá dịch vụ bảo hiểm trong hợp đồng bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ bên mua bảo hiểm đối với các loại hàng hoá, dịch vụ phải mua tái bảo hiểm ở nước ngoài. Trường hợp phát sinh tổn thất đối với phần tái bảo hiểm ra nước ngoài, người cư trú là tổ chức mua bảo hiểm được nhận số tiền bồi thường bằng ngoại tệ chuyển khoản từ công ty tái bảo hiểm nước ngoài thông qua doanh nghiệp bảo hiểm để thanh toán các chi phí khắc phục tổn thất ở nước ngoài.

Thứ 8, người cư trú là tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế được niêm yết giá hàng hoá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ việc cung cấp hàng hoá. Ngoại tệ sử dụng trong giao dịch tại cửa hàng miễn thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bán hàng miễn thuế.

Thứ 9, người cư trú là tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế, tổ chức kinh doanh kho ngoại quan được báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ việc cung cấp hàng hoá và dịch vụ.

Thứ 10, người cư trú là cơ quan hải quan, công an, bộ đội biên phòng và các cơ quan Nhà nước khác tại các cửa khẩu của Việt Nam và kho ngoại quan được niêm yết bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ người không cư trú đối với các loại thuế, phí thị thực xuất nhập cảnh, phí cung ứng dịch vụ và các loại phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật.

Thứ 11, người không cư trú là cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự được niêm yết bằng ngoại tệ và thu phí thị thực xuất nhập cảnh, các loại phí, lệ phí khác bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt.

Thứ 12, người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thoả thuận và trả lương, thưởng và phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó.

Thứ 13, người không cư trú được chuyển khoản bằng ngoại tệ cho người không cư trú khác; được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán tiền xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ bằng ngoại tệ chuyển khoản cho người cư trú.

Thứ 14, người cư trú là doanh nghiệp làm đại lý cho hãng vận tải nước ngoài trên cơ sở hợp đồng đại lý ký kết giữa hai bên được thay mặt cho hãng vận tải nước ngoài báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ đối với cước phí vận tải hàng hoá quốc tế. Việc thanh toán phải thực hiện bằng đồng Việt Nam;

Được chi hộ bằng ngoại tệ chuyển khoản để thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ tại cảng biển quốc tế, khu cách ly tại sân bay quốc tế; Được chi hộ bằng ngoại tệ tiền mặt để trả lương, thưởng, phụ cấp cho người không cư trú do hãng tàu biển nước ngoài uỷ quyền.

Thứ 15, người cư trú là doanh nghiệp chế xuất được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi mua hàng hoá từ thị trường nội địa để sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu hoặc để xuất khẩu, trừ hàng hoá thuộc diện cấm xuất khẩu. Doanh nghiệp trong nước được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi bán hàng hoá cho doanh nghiệp chế xuất;

Được báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán, nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản với doanh nghiệp chế xuất khác.

Thứ 16, người cư trú là tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, khách sạn, du lịch được niêm yết, quảng cáo giá hàng hoá, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam và ngoại tệ tương đương trên trang tin điện tử, ấn phẩm chuyên ngành (không bao gồm thực đơn và bảng giá dịch vụ) chỉ sử dụng tiếng nước ngoài.
Thứ 17, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận các trường hợp khác được phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện