Hạn chế dần việc vay để đảo nợ
Theo tôi được biết, nếu năm 2010, nợ công chỉ có 1,115 triệu tỷ đồng, thì đến năm 2013, con số này là 1,95 triệu tỷ đồng; năm 2014 gần 2,4 triệu tỷ đồng (tương đương 60% GDP) và năm 2015, dự kiến nợ công gần 2,9 triệu tỷ đồng (tương đương 64% GDP). Nợ công chạm trần thì đúng là không thể yên tâm được.
Thưa ông, những khoản nợ kể trên đã tính hết chưa?
Nếu thực hiện đầy đủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công, thì nợ công không phải chỉ tương đương 64-65% GDP. Trong thời gian tới, nợ công nhiều khả năng tiếp tục gia tăng sẽ phá vỡ tỷ lệ an toàn nợ công đã được Quốc hội đồng ý (tối đa 65% GDP).
Vay nợ để đầu tư, nước nào cũng làm như vậy, nhưng vấn đề là trả nợ thế nào?
Trên thế giới, nước nào cũng phải vay nợ để đầu tư, nên đều phát sinh nợ công, nhưng nghĩa vụ trả nợ của họ không cao và không tăng mạnh. Còn chúng ta, nghĩa vụ trả nợ công tăng đột biến trong 3 năm gần đây. Cụ thể, năm 2013, nghĩa vụ trả nợ chiếm 22,3% tổng thu ngân sách; năm 2014, chiếm 26,2% tổng thu và năm 2015 dự kiến chiếm 32,9%. Có nghĩa là, năm 2015, ngân sách thu được bao nhiêu phải bỏ ra 1/3 để trả nợ.
Vấn đề tôi đặc biệt quan tâm, thậm chí lo lắng là nguồn lực để trả nợ trong mấy năm gần đây rất hạn chế, buộc Bộ Tài chính đã phải đi vay (huy động trái phiếu chính phủ) để đảo nợ.
Ông có thể tiết lộ số tiền vay đảo nợ?
Năm 2014, Bộ Tài chính đã phải đi vay 77.000 tỷ đồng để đảo nợ. Năm 2015, số tiền vay mới trả nợ cũ dự kiến là 130.000 tỷ đồng. Năm 2015, nghĩa vụ trả nợ công là 280.000 tỷ đồng, ngân sách nhà nước chỉ có thể bố trí được tối đa 150.000 tỷ đồng để trả nợ, phải vay thêm 130.000 tỷ đồng nữa, nghĩa là phải đi vay tới hơn 46% tổng số nghĩa vụ nợ phải trả.
Bộ Tài chính đi vay để đảo nợ nhằm cơ cấu lại các khoản nợ, thưa ông?
Trước đây, Bộ Tài chính chủ yếu huy động nguồn vốn có thời hạn 2-3 năm để đầu tư cho các công trình, dự án có thời hạn 10-20 năm; vay bằng ngoại tệ nhiều, bây giờ các khoản nợ này đã đến hạn phải trả, nên nếu vay được với thời hạn dài hơn, ít nhất là 10-15 năm; giảm tỷ lệ vay ngoại tệ/tổng số nợ công, thì trong ngắn hạn cũng là điều tốt, vì giảm được áp lực trả nợ trong ngắn hạn và tránh được rủi ro về tỷ giá.
Nhưng về dài hạn, khi các khoản nợ huy động bây giờ có dồn tích lại và khi thời hạn trả nợ đến, thì lấy gì để trả nợ, bởi kinh tế không thể tăng trưởng đột biến, nguồn thu ngân sách nhà nước cũng không thể tăng đột biến. Chính vì vậy, Quốc hội đã ra nghị quyết yêu cầu Bộ Tài chính hạn chế dần việc vay đảo nợ.
Vay nợ về nếu đầu tư có hiệu quả, tích lũy được nguồn trả nợ thì rất tốt, nhưng tôi thực sự không an tâm khi có hàng loạt công trình, dự án đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Với những dự án này mà đi vay đầu tư thì lấy gì trả nợ. Ngoài ra, còn chưa kể hàng loạt công trình, dự án vay vốn ODA còn bị phụ thuộc vào nhà tài trợ về nhà thầu, đơn vị thi công, cung cấp thiết bị, máy móc…, nên hiệu quả đạt không thực sự cao như kỳ vọng.
Nguồn Đầu tư