Hai vướng mắc của thuế thu nhập doanh nghiệp
Ngày 9-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý của các hiệp hội về dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) .
Doanh nghiệp trong nước sẽ thua trên sân nhà
Luật Thuế TNDN có hiệu lực từ ngày 1-1-2009, sau 4 năm thi hành đang bộc lộ nhiều bất cập. Sau nhiều cuộc hội thảo do cơ quan soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, đến nay vẫn còn 2 nội dung chưa nhận được sự đồng thuận cao giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và đối tượng chịu tác động là doanh nghiệp (DN). Đó là thuế suất và quy định áp trần khống chế chi phí quảng cáo của DN. Theo dự thảo, thuế suất thuế TNDN phổ thông được giảm từ 25% xuống 23%, còn trần quảng cáo được nâng từ mức 10% lên 15% tổng chi phí của DN.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho biết các hiệp hội đã thống nhất kiến nghị giảm thuế suất thuế TNDN xuống 20% hoặc ít nhất là 22%, nhằm khuyến khích DN tích lũy vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, cho rằng đối với quy định ưu đãi cho DN nhỏ và vừa có quy mô 200 lao động hoặc doanh thu 20 tỉ đồng/năm mới được hưởng thuế suất 20%, sẽ không có nhiều đối tượng được thụ hưởng vì theo điều tra của VCCI, quy mô về vốn của DN nhỏ và vừa năm 2002 là 23 tỉ đồng và tăng lên 47 tỉ đồng vào năm 2012. Bà Hằng đồng ý với đề xuất của các hiệp hội là cần tăng quy mô DN được hưởng thuế ưu đãi lên mức doanh thu 100 tỉ đồng/năm.
Về chi phí quảng cáo, các đại biểu cho rằng nên bỏ khống chế trần để tạo cơ hội cho DN đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi, quảng cáo kích cầu trong nước, đồng thời làm khởi sắc ngành công nghiệp quảng cáo và phụ trợ ở Việt Nam. Nếu tiếp tục khống chế trần, DN trong nước sẽ bị đẩy vào tình cảnh thua ngay trên sân nhà vì đối thủ nước ngoài sẽ được chuyển ngân sách từ công ty mẹ sang quảng cáo sản phẩm mà không bị khống chế trần chi phí.
Cò kè thêm, bớt
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Đinh Trịnh Hải cho biết: Luật Thuế TNDN nếu có điều kiện thì nên giảm ngay, không phải cò kè làm gì. Nếu cứ giảm 1% thuế suất TNDN, ngân sách sẽ mất hơn 6.000 tỉ đồng/năm nên phải thận trọng.
Một trong những nguyên tắc phải tuân thủ khi sửa luật là không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thu ngân sách. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thực hiện lộ trình 2 bước: giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống 23%, trong đó có ưu tiên cho DN nhỏ và vừa được hưởng mức thuế suất 20% trước 6 tháng so với thời điểm Luật Thuế TNDN có hiệu lực và tiến tới đưa về đồng nhất một mức thuế suất 20% vào năm 2016.
Đối với nội dung khống chế chi phí quảng cáo, Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết các tính toán cho thấy chi phí thuế thực của DN tăng lên trung bình khoảng 42%-80% so với chi phí thuế danh nghĩa tùy trường hợp (khoản chi quảng cáo và khuyến mãi càng cao so với tỉ lệ doanh thu thì mức tăng chi phí thuế thực càng lớn).
Khảo sát khoảng 50 nước trên thế giới cho thấy chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc thực hiện khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi. Nhưng Trung Quốc “mở” hơn vì khống chế 15% trên tổng doanh thu hằng năm, còn Việt Nam khống chế ở mức 10% tổng chi phí của DN. Hơn nữa, chi phí quảng cáo nằm trong chi phí sản xuất của DN, cần để cho DN quyết định, Nhà nước không nên làm thay.
(Theo NLĐ)