Hai thách thức quốc gia của Việt Nam
“Các bạn ngồi đây đã có cuộc sống tốt hơn ba mẹ mình. Vậy thế hệ kế cận của Việt Nam liệu sẽ có cuộc sống tốt hơn các bạn trong tương lai?”, ông Kyle Francis Kelhofer, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia, bắt đầu bài phát biểu tại Hội thảo “Step Into The Future” bằng một câu hỏi rất thực tế. Hội thảo, do Ngân hàng HSBC tổ chức vào giữa tháng 9 tại TP.HCM, đã nêu ra những biến động vĩ mô của kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2016 trong bối cảnh một châu Âu bấp bênh thời hậu Brexit, một môi trường kinh doanh không chắc chắn trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ (diễn ra vào tháng 11 tới).
Ông Kelhofer đưa ra hai vấn đề được ông gọi là “thách thức quốc gia” mà Việt Nam phải đối mặt trong quý cuối cùng của năm 2016 và giai đoạn trung hạn. Đầu tiên là chỉ số tăng trưởng năng suất lao động (tính bằng GDP trên mỗi người lao động) đang giảm mạnh từ mức đỉnh 0,06% năm 2005 về mức 0,025% năm 2012.
Nhận định này từ người đứng đầu IFC tại Việt Nam trùng khớp với những gì Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố trong báo cáo vĩ mô về năng suất lao động Việt Nam giai đoạn 1992-2015. Do xuất phát điểm rất thấp nên đến năm 2014, năng suất lao động của người Việt đạt 9.138,6 USD theo ngang giá sức mua (PPP) của năm 2011. Với mức này, khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Thái Lan, Philippines, Trung Quốc… ngày một nới rộng. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 15 người Việt Nam có năng suất lao động bằng 1 người Singapore vào năm 2013; 1 người Hàn Quốc cũng có năng suất lao động bằng 7 người Việt cộng lại.
Thách thức thứ hai, theo ông Kelhofer, là mức đóng góp thấp của các doanh nghiệp nội địa trong tổng doanh thu xuất khẩu - yếu tố quan trọng trong tăng trưởng GDP quốc gia - đang có xu hướng giảm dần qua các năm. Cụ thể, các doanh nghiệp nội địa Việt có tỉ trọng đóng góp xuất khẩu khoảng 17,5% (năm 2009), thua xa mức 61% của các doanh nghiệp nội địa Thái Lan (năm 2006).
Ông Kyle Francis Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia. Ảnh: HSBC cung cấp |
Đối chiếu với nhận định của CIEM, một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng đáng báo động này xuất phát từ sự ì ạch trong vấn đề đổi mới sáng tạo, trong khi đây được xem là chìa khóa giúp một số nước Đông Á vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Thực vậy, công nghệ và sáng tạo vẫn là điểm yếu kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2015 của Việt Nam được xếp hạng thứ 68. Trong khi đó, các chỉ số cấu phần liên quan đến đổi mới sáng tạo lại thấp hơn nhiều như năng lực hấp thụ công nghệ Việt Nam (xếp thứ 121), chuyển giao công nghệ từ FDI (93), độ sâu của chuỗi giá trị (112), mức độ phức tạp của quy trình sản xuất (116), chất lượng của các tổ chức nghiên cứu khoa học (96); giáo dục và đào tạo ở cấp sau phổ thông (96).
Cùng quan điểm với IFC, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng: “Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 khó mà đạt được 6,7% như kế hoạch, khi quý III mới chỉ chạm mốc 5,5%”.
Năm ngoái, theo ông Thành, Chính phủ đã thành công khi khắc họa, lần đầu tiên sau nhiều năm, một hình ảnh “chính phủ kiến tạo”, tức chính phủ lùi sau, để thị trường và doanh nghiệp tự vận hành, giúp đặt nền tảng cho sự cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Biểu hiện tiêu biểu nhất là sự vận hành tỉ giá trung tâm, nỗ lực bình ổn thị trường lãi suất và thành công trong phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường nợ.
Tuy vậy, những mảng xám trong bức tranh kinh tế Việt Nam cuối năm 2016 vẫn tồn tại rõ nét qua những trục trặc ở ngân hàng. Đáng chú ý, nợ xấu trên tổng dư nợ đã lên tới 5,9 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2016. Mặc dù 11,3 tỉ USD nợ xấu (tính lũy kế đến thời điểm hiện tại) đã được chuyển sang VAMC nhưng chỉ có 1,5 tỉ USD được xử lý. “Chừng nào Chính phủ cho thấy những động thái quyết liệt hơn qua việc có thể sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa khối doanh nghiệp nhà nước để tái cấu trúc triệt để nợ xấu thì khi đó nền kinh tế Việt Nam mới có thể phát triển trên một nền tảng tương đối ổn định”, ông Thành nói.
Một trong những lý do khiến thị trường vốn tại Việt Nam chưa thực sự là kênh huy động vốn của các doanh nghiệp chính nằm ở ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) và ROA (lợi nhuận/tài sản) của toàn hệ thống ngân hàng quá thấp so với mức trung bình của khu vực. Vì thế, khi các nhà đầu tư nội địa muốn sử dụng đòn bẩy tài chính để giao dịch cổ phiếu niêm yết thì họ phải đối mặt với mức lãi suất cao, gián tiếp ảnh hưởng đến lực giao dịch của khối nội. Mặt khác, việc nợ công/GDP đang ở ngưỡng 64,9% tính đến tháng 8.2016 cho thấy kể cả khi mức thâm hụt ngân sách chiếm 3% trong vài năm tiếp theo thì ngưỡng an toàn trần nợ công (thường 65% GDP) nhiều khả năng sẽ bị phá vỡ.
Ông Phạm Hồng Hải, CEO HSBC Việt Nam, lại đưa ra một mối quan ngại khác: “Từ chỗ là quốc gia sẽ được lợi nhất nếu TPP được ký kết, Việt Nam có thể sẽ trở thành nước bị thiệt hại nhiều nhất nếu diễn biến kinh tế chính trị trên thế giới đảo chiều và TPP không được thông qua”. Những tác động kinh tế hậu Brexit và bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này, nhất là trong bối cảnh nổi lên các quốc gia mới có tiềm lực như Indonesia và khối các nước châu Phi.
Minh Nguyệt