Ảnh: Genk.vn
Hai startup thanh toán Việt Nam sẽ hợp nhất để gia tăng tiềm lực
Theo Bloomberg, Vimo, nhà cung cấp ví di động và Công ty Cổ phần Công nghệ mPOS Việt Nam, phát triển công nghệ điểm bán hàng di động, sẽ được sáp nhập và đổi tên thành NextPay Holdings. Ông Nguyễn Hữu Tuất, giám đốc điều hành của mPOS, sẽ trở thành CEO của công ty sau hợp nhất. Ông Nguyễn Hòa Bình, người sáng lập hai công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Hà Nội, sẽ là chủ tịch của NextPay.
NextPay đang đàm phán với các nhà đầu tư để huy động khoảng 30 triệu USD và dự kiến sẽ sớm kết thúc vòng gọi vốn này, ông Tuất nói. Vốn sẽ hỗ trợ cho kế hoạch của công ty nhằm mở rộng sang Myanmar và Indonesia vào năm 2020.
Mô hình kinh doanh của MPOS khá giống với Square ở Mỹ, ở chỗ bất kỳ thương gia nào cũng có thể chấp nhận thanh toán dễ dàng và Vimo là một ví di động tương tự như Alipay, ông Tuất cho biết. Sau khi hợp nhất hai doanh nghiệp này, "chúng tôi sẽ cung cấp giải pháp thanh-toán-tại-một-điểm cho các thương gia".
Việt Nam đã và đang nỗ lực tiến lên kỷ nguyên thanh toán kỹ thuật số hiện đại, giảm lượng USD đang lưu hành và gia tăng vị thế của tiền đồng. Người dân Việt Nam được khuyến khích sử dụng thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng và thanh toán kỹ thuật số thay vì mang theo tiền mặt.
Việc sáp nhập này nhằm mục đích giúp NextPay tận dụng sự thay đổi đó. Công ty sẽ có mặt tại 11 thành phố trên khắp Việt Nam, với hơn 35.000 điểm chấp nhận thanh toán. Việt Nam là nước có dân số trẻ, am hiểu công nghệ với hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh.
Thanh toán điện tử tiếp tục bùng nổ tại Việt Nam
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới vào tháng 7/2018, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực chỉ đạt 4,9%, trong khi tỉ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, còn Thái Lan là 59,7%. Mặc dù không thể phủ nhận thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tỉ trọng lớn tại Việt Nam trong năm vừa qua, con số thanh toán điện tử lại rất ấn tượng.
►Thanh toán điện tử đang bùng nổ tại Việt Nam
Số liệu từ Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho thấy lượng giao dịch điện tử xử lý qua hệ thống NAPAS đạt con số hơn 1,3 triệu giao dịch/ ngày, tăng 1,75 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS và các ngân hàng trong năm 2018 đạt 3,5 ngàn tỉ đồng, tăng trưởng 166% so với cùng kỳ. “Điều này cho thấy, thói quen của người tiêu dùng trong thanh toán đang dần thay đổi theo hướng tích cực.” đại diện NAPAS nhận định. Năm 2019, dự kiến giao dịch điện tử sẽ tiếp tục tăng mạnh và đạt mức 12,33 tỷ USD vào năm 2022.
Nguồn Bloomberg