Hai quỹ đầu tư dạng mở tập trung vào cổ phiếu Hong Leong Vietnam Fund (HLGVF) và Hong Leong Vietnam Strategic Fund (HVSF), do Hong Leong Asset Management (HLAM) quản lý chính và Vietnam Asset Management (VAM) quản lý hoạt động đầu tư ngoài nước, đã ngừng hoạt động, theo thông báo chính thức trên website của HLAM. Ngoài hai quỹ này, HLAM không còn quỹ nào đầu tư riêng vào Việt Nam.
Nguyên nhân của việc giải thể là quy mô các quỹ quá nhỏ. Cuối năm 2013, HLAM đã thông báo với nhà đầu tư danh sách một số quỹ dự kiến giải thể, trong đó có 2 quỹ tại Việt Nam, với lý do chính là “quy mô của các quỹ quá nhỏ để có thể đa dạng hóa danh mục một cách hiệu quả trong dài hạn”.
Nhưng trên thực tế, hai quỹ tại Việt Nam của HLAM đã từng có quy mô khá: HLGVF có quy mô 43 triệu RM (280 tỷ đồng) năm 2012 và HVSF có quy mô 370 tỷ đồng năm 2011, theo các báo cáo gần nhất của HLAM. Nhưng đến đầu năm nay, hai quỹ này chỉ còn quy mô lần lượt là 41 tỷ đồng và 36 tỷ đồng.
“Quy mô của Quỹ đã liên tục giảm trong những năm gần đây và quy mô hiện tại của Quỹ đã trở nên quá nhỏ để duy trì việc quản trị một cách kinh tế, năng suất và hiệu quả”, báo cáo năm tài chính 2013 của quỹ HLGVF viết.
Việc giải thể này dường như đáng tiếc khi cả HLGVF và HVSF đều có kết quả hoạt động vượt trội. HLGVF đã tăng trưởng 37,2% trong năm tài chính 2013 - so với mức tăng trưởng 33,1% của VN-Index, và có tăng trưởng 80,7% trong 6 năm kể từ khi thành lập vào tháng 2/2008 trong khi VN-Index giảm 41,8%. Tương tự, Quỹ HVSF tăng 43,8% sau 4 năm kể từ khi thành lập hồi tháng 3/2010 - trong khi VN-Index chỉ tăng 2,1% trong cùng thời gian.
Đáng tiếc hơn nữa, khi bản thân HLG UT - công ty mẹ của HLAM - đã từng kỳ vọng lớn vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi khai trương hai quỹ mở này. Cuối năm 2009, Công ty họp báo công bố Chiến dịch “Đầu tư vào Việt Nam”, tại đó ông Teo Chang Seng, quyền Tổng giám đốc của HLG UT đã nói: “Việt Nam là ngôi sao đang lên của châu Á và đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn cầu”, với dẫn chứng GDP Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trong khu vực những năm vừa qua. Ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc điều hành VAM khi đó nói “Việt Nam hy vọng sẽ trở lại mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước khoảng 7 - 8%/năm trong những năm tới.”
Vào thời điểm đó, HLG UT là nhà quản lý năng lực lớn với tổng tài sản có giá trị lên đến 2,89 tỷ RM (gần 20.000 tỷ đồng).
Với VAM, sau khi giải thể 2 quỹ trên, Công ty giảm một nửa số quỹ quản lý từ 4 xuống 2. VAM chưa trả lời ngay với ĐTCK về việc giải thể hai quỹ.
Việc chấm dứt hai quỹ đầu tư gốc Malaysia diễn ra cùng lúc với sự ra đi của một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài một năm trở lại đây. Đầu tháng 6, nhà quản lý Singapore Fullerton Fund Management Company Ltd chính thức đóng cửa văn phòng đại diện duy nhất tại Việt Nam, mặc dù hai quỹ đầu tư của Fullerton là Fullerton Vietnam Fund A và B vẫn tăng trưởng rất tốt trong 2 năm nay và có quy mô khoảng 30 triệu USD mỗi quỹ. Fullerton Fund Management Company không trả lời ĐTCK về nguyên nhân của việc đóng cửa văn phòng.
Cách đây một năm, thị trường chứng khoán cũng chứng kiến sự ra đi của nhà đầu tư Thái Lan Finansa Public Company Limited, một trong những NĐT nước ngoài đầu tiên bước chân vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ những năm 1990. Cũng giống như trường hợp HLAM, Finansa tuyên bố lý do chính khiến Công ty ra đi là quy mô tài sản của các quỹ quá nhỏ, không đủ bù đắp chi phí duy trì văn phòng đại diện và nhân viên ở Việt Nam trong báo cáo Công ty cuối năm 2012. Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam “đã không diễn ra nhanh chóng như kỳ vọng” cũng là một trong các nguyên nhân khiến Quỹ bỏ cuộc.
Nhìn vào một số quỹ ngoại đầu tư vào Việt Nam hiện nay, có thể thấy tình trạng nhà đầu tư rút ròng liên tiếp khỏi quỹ, kể cả khi quỹ tăng trưởng rất tốt. Quỹ Vietnam Equity Holding của Saigon Asset Management (SAM) đã tăng trưởng gần 30% trong năm 2013 - gấp rưỡi mức tăng của VN-Index và 5 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trên 10%, nhưng số chứng chỉ quỹ vẫn đều đặn giảm nhẹ.
“Đúng là có những nhà đầu tư nước ngoài có nói rằng họ đã rất thất vọng về thị trường trong 5 năm vừa qua, về những vấn đề tồn tại kéo dài ở Việt Nam”, CEO Louis Nguyễn của SAM cho biết - mặc dù ông cho biết xu hướng chung mà ông quan sát được vẫn là nhà đầu tư ngoại đang kỳ vọng trở lại vào thị trường Việt Nam. Những vấn đề tồn tại này vẫn tiếp tục là những câu chuyện như tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, chậm cổ phần hóa hay tình trạng kém minh bạch của các công ty niêm yết.
Nguồn Đầu tư chứng khoán