Chủ Nhật | 07/10/2012 07:26

Hai phương án điều chỉnh lương, thưởng tại doanh nghiệp nhà nước

Quỹ tiền lương kế hoạch đang nghiêng về phương án xây dựng theo tiền lương bình quân bảo tính thị trường thay vì dựa vào mức lương tối thiểu.
Hai phương án điều chỉnh
Theo dự thảo Nghị định quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra 2 phương án.

Phương án một, Bộ đề xuất quỹ tiền lương kế hoạch được tính trên cơ sở mức tiền lương bình quân và số lao động định mức kế hoạch và quỹ tiền lương thực hiện được tính trên cơ sở mức tiền lương bình quân thực hiện và số lao động thực tế sử dụng bình quân gắn với mức độ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất.
Ở phương án hai, Bộ này xuất quỹ tiền lương kế hoạch được tính trên cơ sở số lao động định mức, hệ số lương cấp bậc bình quân, mức lương tối thiểu do công ty lựa chọn tối đa không quá 2,7 lần mức lương tối thiểu chung và quỹ tiền lương thực hiện được tính giống như phương án một.

Ngoài ra, theo dự thảo Nghị định, việc phân phối tiền lương cho người lao động được thực hiện theo quy chế trả lương của công ty. Tổng giám đốc (giám đốc) xây dựng và ban hành quy chế trả lương theo quy định của pháp luật bảo đảm dân chủ, công bằng, minh bạch, có sự tham gia của ban chấp hành công đoàn cơ sở và công bố công khai trong công ty trước khi thực hiện.

Quy chế trả lương được xây dựng và thực hiện trả lương theo vị trí, chức danh công việc, trả lương thỏa đáng (không hạn chế mức tối đa) đối với người có tài năng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, đóng góp nhiều cho công ty.

Công ty không được sử dụng quỹ tiền lương của người lao động để trả lương cho thành viên Hội đồng thành viên (hoặc chủ tịch), Kiểm soát viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng và không được sử dụng vào các mục đích khác.

Vẫn khó kiểm soát

Sau một thời gian đưa dự thảo nghị định ra lấy ý kiến, hiện quỹ tiền lương kế hoạch của doanh nghiệp nhà nước đang được nghiêng về phương án xây dựng theo tiền lương bình quân để đảm bảo tính thị trường thay vì dựa vào mức lương tối thiểu.

Việc kiểm soát thực hiện cũng được phối hợp giữa cơ quan chủ sở hữu (có thể là bộ chủ sở hữu doanh nghiệp), Bộ Tài chính và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế cho thấy, để kiểm soát được không dễ.

Một chuyên gia về lương phân tích, theo quy định, hàng năm, mức lương kế hoạch tại các tập đoàn được xây dựng và được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phê duyệt, sau đó mới thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tế, việc kiểm soát lỗ lãi tại các tập đoàn này lại do Bộ Tài chính thực hiện.

Một luật gia cho rằng việc dự thảo Nghị định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định công ty tự quyết định tiền lương, tiền thưởng của người lao động phù hợp với năng suất lao động và khả năng của mình; quyết định tiền lương, tiền thưởng của thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc... là rất mâu thuẫn.

Với quy định này, các công ty sẵn sàng tạo ra ra một kế hoạch kinh doanh đầy sức thuyết phục và quyết định mức lương cho các thành viên chuyên trách hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc... với hệ số tối đa.

Cũng theo luật gia này, với mức lương tối đa không vượt quá 10 lần tiền lương bình quân của người lao động, các công ty cũng sẽ khó lòng thu hút được người giỏi để cạnh tranh với các công ty thuộc thành phần khác mà không bị ràng buộc bởi quy định này.

Đồng quan điểm trên, ông Đặng Như Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội không nên quy định về chuyện lương, thưởng đối với doanh nghiệp, vì như vậy trái với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Nguồn VEF


Sự kiện