Hai phương án điều chỉnh lương
Tại cuộc hội thảo về lương tối thiểu mới được tổ chức, ông Lê Xuân Thành, phó vụ trưởng vụ Lao động – tiền lương thuộc bộ Lao động – thương binh và xã hội thừa nhận, chính sách lương tối thiểu thấp được duy trì trong một thời gian dài nhằm thu hút đầu tư đã đưa đến việc không đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Mặt bằng lương trên thị trường thấp cũng khiến cho những lao động nghèo được trả lương gần với lương tối thiểu lại càng nghèo hơn. Năm 2005, lương tối thiểu ở nước ta chỉ đạt 22 USD/tháng, thấp hơn từ 40 – 70% so với một số nước trong khu vực. Năm 2007, nước ta đứng thứ 79/100 nước có lương tối thiểu theo sức mua tương đương từ cao xuống thấp...
Ông Nguyễn Bá Ngọc, phó viện trưởng viện Khoa học lao động và xã hội khẳng định, lương tối thiểu hiện mới chỉ đáp ứng được từ 62 – 69% mức sống tối thiểu của người lao động. Từ thực tế này, nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức để nhằm đưa ra một cái mốc: năm 2015 hay 2016 hay 2017 thì mức lương tối thiểu sẽ đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động?
Theo ông Lê Xuân Thành, kế hoạch lương tối thiểu đảm bảo được mức sống tối thiểu vào năm 2015 đã bị vỡ. Lý do vì mức tăng năm 2013 chỉ bằng nửa so với lộ trình đã đề ra, do vậy nếu thực hiện đúng như kế hoạch thì mức tăng năm 2014 và 2015 rất cao, doanh nghiệp sẽ khó có thể chịu được với bối cảnh kinh tế như hiện nay. Hệ quả sẽ là doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc...
Bộ Lao động – thương binh và xã hội đã đưa ra hai phương án điều chỉnh lộ trình tăng lương. Phương án 1 là lương tối thiểu sẽ đảm bảo nhu cầu tối thiểu vào năm 2017, theo đó, mức tăng bình quân chung trong các năm từ nay đến 2017 sẽ khoảng 16,5 – 20% mỗi năm. Phương án 2 là lương tối thiểu sẽ đảm bảo nhu cầu tối thiểu vào năm 2016, theo đó mức tăng bình quân chung các năm sẽ khoảng 18 – 23% mỗi năm. Hai phương án này dự kiến sẽ được trình Chính phủ, nếu thuận lợi, sẽ thực hiện sớm vào năm 2016 với mức tăng hàng năm cao hơn phương án còn lại.
Ông Đặng Như Lợi, nguyên phó chủ nhiệm uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng với cách làm như vậy sẽ khó giải quyết được vấn đề căn bản của chính sách tiền lương hiện hành. “Thực chất đó chỉ là cuộc rượt đuổi với giá cả”, ông Lợi nhận xét. Theo ông Lợi, vấn đề quan trọng là phải thay đổi cơ chế và tạo nguồn để trả lương, đây mới thực sự là hai yếu tố quan trọng của chính sách tiền lương.
Ông Đặng Quang Điều, viện Công nhân và công đoàn cho rằng, cần sớm điều chỉnh để lương tối thiểu đảm bảo được mức sống tối thiểu cho người lao động, tuy nhiên việc quan trọng khác là Nhà nước cũng cần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát để đồng lương thực nhận của người lao động không bị giảm sức mua. “Lương tăng theo kế hoạch trong khi lạm phát lại tăng cao hơn dự đoán thì cũng khó có thể đảm bảo đời sống của người lao động”, ông Điều nói.
(Theo SGTT)