Thứ Sáu | 23/08/2013 17:10

Hai lãnh đạo từ nhiệm tại HAGL để sang công ty An Phú

Ông Lê Hùng và ông Nguyễn Văn Tốn sẽ giữ chức vụ chủ tịch HĐT và Tổng giám đốc tại công ty chuyên bán bất động sản của HAGL - An Phú.
Sau buổi tiếp xúc nhà đầu tư nhằm cập nhật chiến lược giai đoạn 2013 - 2015 với việc tái cấu trúc tập đoàn lần 3, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) công bố nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 19/8.

Đáng chú ý, Hội đồng quản trị HAGL thống nhất thông qua đơn từ nhiệm của ông Lê Hùng - Thành viên Hội đồng quản trị và đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Văn Tốn - Trưởng Ban kiểm soát.

Ông Lê Hùng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng và phát triển Nhà Hoàng Anh (HAGL Land), đơn vị quản lý các dự án bất động sản của tập đoàn. Ông Lê Hùng đảm nhiệm vị trí này từ ngày 15/1/2013 thay ông Đoàn Nguyên Đức.

Đồng thời, ông Hùng cũng là người trực tiếp phụ trách dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn 5 sao với tổng số vốn đầu tư dự kiến 440 triệu USD tại Yangoon, Myanmar.

Việc 2 lãnh đạo của HAGL từ nhiệm sau khi tập đoàn công bố việc tái cấu trúc, đặc biệt là lãnh đạo của ngành bất động sản, làm dấy lên nghi ngờ mâu thuẫn nội bộ HAGL.

Trả lời báo Đất Việt, chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức cho biết, việc từ nhiệm của hai lãnh đạo HAGL nhằm chuẩn bị cho công ty An Phú. Theo đó, ông Lê Hùng sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Nguyễn Văn Tốn làm Tổng Giám đốc Công ty An Phú.

Công ty An Phú được thành lập với vốn điều lệ 360 tỷ đồng. HAGL cho An Phú vay 3.083 tỷ đồng để An Phú mua lại các dự án bất động sản kém hiệu quả. Sau đó, An Phú sẽ bán cổ phần của mình cho cổ đông HAGL với tỷ lệ dựa trên tỷ lệ sở hữu cổ phiếu HAG. Sau khi HAGL bán hết cổ phần của An Phú thì khoản tiền An Phú vay của HAGL sẽ được Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đứng ra bảo lãnh cá nhân.

Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết, An Phú lập ra không phải để kinh doanh, niêm yết.. mà chỉ thực hiện một nhiệm vụ chính là tiến hành bán những tài sản xấu, thu hồi nợ để trả ngân hàng và còn lại mang về cho HAGL.

Ông Đức cho biết thêm sẽ để cho An Phú hoạt động trong 3 năm (kể từ 2014), thực hiện bán các dự án (xây để bán, bán cả dự án…). Dự kiến sẽ thanh toán được 2.000 tỷ nợ xấu cho ngân hàng và mang lại cho HAG khoảng 3.000 tỷ đồng và nếu còn dư sẽ chia cho cổ đông của An Phú. Sau đó, sẽ thực hiện giải tán công ty.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện