Kịch bản cơ sở tăng trưởng kinh tế bình quân năm 2021 có thể đạt 6,1%, CPI trung bình khoảng 4%, được dự báo là kịch bản có khả năng xảy ra nhất hiện nay. Ảnh: TL.

 
Mai Châu Thứ Ba | 13/07/2021 10:05

Hai kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021

Nếu kiểm soát được dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế năm 2021 dự báo sẽ đạt 6,1%. Khi dịch bệnh bùng phát ở nhiều nơi, GDP có thể chỉ đạt mức 5,5%.

Việt Nam chịu ảnh hưởng vì dịch 

Tại lễ công bố báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam 2020 với chủ đề: "Đầu tư và tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch COVID-19" vào sáng 12.7, PGS.TS Hà Văn Sự, Trưởng khoa kinh tế - luật, thư ký khoa học báo cáo thường niên, cho biết: Tác động của dịch COVID-19 là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới, tác động mạnh mẽ, sâu sắc và tiêu cực, đẩy thế giới vào khủng hoảng suy thoái trong đà phục hồi rất mong manh. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng như hàng không, vận tải, đầu tư FDI toàn cầu, làm tê liệt chuỗi cung ứng và chuỗi thương mại toàn cầu…

Việt Nam mặc dù cơ bản kiểm soát được đại dịch nhưng cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế. Tuy vậy, với chiến lược thực hiện đồng thời mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, năm 2020 Việt Nam đã trở thành điểm sáng về kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

Cụ thể, với kịch bản cơ sở tăng trưởng kinh tế bình quân năm 2021 có thể đạt 6,1%, CPI trung bình khoảng 4%, được dự báo là kịch bản có khả năng xảy ra nhất hiện nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi và đại dịch COVID-19 dần được khống chế.

Ảnh: TL.
Với kịch bản thấp, báo cáo dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,5%, CPI trung bình khoảng 3,5%. Ảnh: TL.

Với kịch bản này, nhiều nền kinh tế lớn của thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng dương trở lại như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… nhờ đó kinh tế trong nước sản xuất dần được phục hồi, đầu tư khu vực nhà nước tăng trưởng mức 7%. Đóng góp của FDI dự kiến tiếp tục được duy trì, chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, phù hợp nhằm giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Với kịch bản thấp, báo cáo dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,5%, CPI trung bình khoảng 3,5%. Mặc dù đánh giá đây là kịch bản ít có khả năng xảy ra, nhưng báo cáo đánh giá nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới trì trệ và phục hồi chậm, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của Việt Nam bị tác động, đầu tư khu vực nhà nước ở mức thấp, thì tăng trưởng khó đạt được triển vọng cao hơn.

Về khuyến nghị chính sách, các chuyên gia của Đại học Thương mại cho rằng các giải pháp cần tập trung là kiểm soát và giảm thiểu tác động từ COVID-19 tạo ra, thực thi chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, áp dụng công cụ thuế, đầu tư công, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, kinh tế số, ngành chế biến chế tạo, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng.

Với kiểm soát COVID-19, cần triển khai bản đồ chung sống an toàn COVID-19, thúc đẩy thương mại điện tử, hoàn thiện chính sách thương mại hàng hóa, tăng cường xúc tiến xuất khẩu và kiểm soát tốt hoạt động nhập khẩu và cán cân thương mại, chống gian lận xuất xứ và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại...

2 kịch bản tăng trưởng

Trước đó, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc thống nhất chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra và thống nhất với 2 kịch bản tăng trưởng được Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng (tăng trưởng GDP cả năm 6% theo kịch bản 1 và 6,5% theo kịch bản 2), song để đạt được phải cố gắng rất nhiều với các giải pháp khả thi, hiệu quả.

Cụ thể, cần đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm của các mặt hàng có thế mạnh, nhất là rau củ quả để tiếp tục mở rộng thị trường, tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết. Bảo đảm mục tiêu cán cân thương mại hài hòa, bền vững; có biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp.

Ảnh: TL.
Cần đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm của các mặt hàng có thế mạnh. Ảnh: TL.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến chế tạo. Bảo đảm an ninh năng lượng; có chính sách phát triển năng lượng dài hạn, bám sát hình hình thực tế và theo cơ chế thị trường, hoàn thành Quy hoạch điện VIII, phát triển cơ cấu nguồn điện hợp lý.

Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, nhất là trái cây, có chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp dài hạn, hạn chế tình trạng phải "giải cứu", có chính sách ưu tiên phù hợp với các sản phẩm có thế mạnh, quan tâm xây dựng thương hiệu, các khâu sau thu hoạch... để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Ngành dịch vụ cần đổi mới mạnh mẽ, tính toán, tổ chức lại để giảm chi phí vận tải, bên cạnh vấn đề lâu dài là phát triển hạ tầng chiến lược thì cần giải quyết ngay những khó khăn trước mắt. Tính toán triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước. 

GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%