Việt Nam vẫn tận hưởng những tác động tích cực của dân số trong độ tuổi lao động tăng trưởng dương. Ảnh: Quý Hòa
Hai động lực tăng trưởng
Năm 2023 đang đi đến những tháng cuối cùng, là một năm không dễ dàng cho các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Khi kết quả tăng trưởng quý III được chính phủ các nước công bố cũng là lúc các định chế tài chính đưa ra nhận định về tăng trưởng năm 2024. Nhìn chung, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 được đánh giá tích cực hơn năm nay, với tăng trưởng dao động từ 5-6,3%.
Chuyển biến từ xuất khẩu và tiêu dùng
“Xuất khẩu và chi tiêu gia tăng là 2 tác nhân sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng trong năm 2024”, Tiến sĩ Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khu vực châu Á, Ngân hàng HSBC, phân tích. Tại buổi hội thảo thường niên của HSBC, ngân hàng này đã dự báo GDP Việt Nam sẽ chốt sổ năm 2023 ở mức tăng 5%, trước khi bật lên mức 6,3% trong năm 2024. “Nhưng mức tăng đó chỉ mới là nửa đường thôi”, ông nói.
Việt Nam hiện xuất khẩu phần lớn vào 3 thị trường là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Trong khi kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ và châu Âu vẫn duy trì đà sụt giảm từ đầu năm thì thị trường Trung Quốc chứng kiến sự tăng trưởng trở lại, chủ yếu nhờ vào nông sản. Chuyên gia của HSBC dự báo trong năm 2024, Mỹ khó có khả năng hạ lãi suất ngay trong xu thế đồng USD mạnh được duy trì nhiều năm. Trong khi đó, châu Âu sẽ tiếp tục trì trệ do lạm phát tăng cao. Kinh tế Trung Quốc, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản, chứng kiến sự hồi phục không như kỳ vọng khi doanh số bán nhà trong 9 tháng đầu năm 2023 chưa bằng một nửa so với thời điểm trước dịch COVID-19. “Có thể mất thêm một năm nữa để nhu cầu toàn cầu hồi phục”, Tiến sĩ Frederic phân tích.
“Mặc dù kinh tế thế giới trì trệ, nhưng việc thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng toàn cầu sẽ giúp cho Việt Nam, một nền kinh tế mở phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, hưởng lợi. Sau dịch, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng khi người tiêu dùng chuyển từ tiêu thụ hàng hóa sang sử dụng dịch vụ”, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết. Tuy vậy, Tiến sĩ Frederic dự báo người tiêu dùng sẽ sớm mua sắm trở lại. Khi ấy, việc xuất khẩu của Việt Nam sẽ mở rộng so với hiện tại, giúp GDP tăng trưởng.
Động lực tăng trưởng thứ 2 đến từ tiêu dùng trong nước, bao gồm tiêu dùng và mua sắm của Chính phủ. Phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết tốc độ tăng của tích lũy tài sản gộp trong 9 tháng năm đầu 2023 là 3,3%, gấp 3 lần mức tăng của nửa đầu năm.
Trong bối cảnh hiện tại, đầu tư của khu vực nhà nước đang là trụ cột chính, vốn đầu tư khu vực này tăng 15,2% trong 9 tháng, trong khi đầu tư khu vực tư nhân và nước ngoài tăng trưởng yếu, lần lượt là 2,2% và 3,8%. Ước tính tích lũy tài sản đóng góp khoảng 0,8 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của 9 tháng, trong đó, phần lớn là đóng góp từ tăng trưởng đầu tư công. “Tăng trưởng trong đầu tư công đã được phản ánh rõ hơn vào tăng trưởng kinh tế”, báo cáo của VDSC nhận xét.
Bên cạnh đầu tư công, việc chuyển dịch sang nền kinh tế tiêu dùng dự kiến đóng góp cho tăng trưởng. Việt Nam được định vị là một thị trường tiêu dùng hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á với quy mô 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu gia tăng. Theo số liệu của HSBC, trong 20 năm, số người trưởng thành có tài sản hơn 250.000 USD (6,1 tỉ đồng) tại Việt Nam đã tăng gấp 2,5 lần, cao nhất trong khu vực. “Rủi ro lớn nhất của dự báo này là kinh tế thế giới có thể sẽ không hồi phục như kỳ vọng”, Tiến sĩ Frederic nhận xét và cho rằng khi ấy việc xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Nhưng đó không phải là rủi ro duy nhất. Một số dự báo, như của BMI, một công ty giải pháp của Fitch, thể hiện sự kém lạc quan khi đưa ra các con số tăng trưởng thận trọng chỉ 4,7% trong năm 2023 và 5,5% trong năm 2024.
Dự báo của BMI dựa trên nhận định triển vọng của lĩnh vực công nghiệp hướng đến xuất khẩu không mấy lạc quan vì nhu cầu thế giới tiếp tục đình trệ trong những quý tới. Theo họ, điểm yếu của lĩnh vực bất động sản đã lan sang ngành ngân hàng, khiến tỉ lệ nợ xấu tăng mạnh lên 2,8% vào đầu năm 2023 so với mức 1,5% trong suốt năm 2022. Tăng trưởng cho vay chậm lại đáng kể, từ mức 17% trong năm 2022 xuống 9,1% vào tháng 5/2023.
BMI cho rằng các ngân hàng sẽ vẫn e ngại rủi ro trong các quyết định cho vay trong những quý tới khi những thách thức trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục giảm bớt. “Điều này sẽ đè nặng lên nền kinh tế có đòn bẩy tài chính cao của Việt Nam”, báo cáo nhận định.
Những ngành nhiều tiềm năng
Việc nằm ở giao lộ của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đem đến lợi thế lớn trong việc thu hút FDI cho Việt Nam. Tuy đã qua đỉnh điểm của cơ cấu dân số vàng, Việt Nam vẫn tận hưởng những tác động tích cực của dân số trong độ tuổi lao động tăng trưởng dương.
Trong xu thế di chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn cả Trung Quốc lẫn quốc tế, vị chuyên gia kinh tế trưởng của HSBC cho rằng một số ngành sẽ có tiềm năng thu hút đầu tư lớn và thậm chí thay đổi vị thế trong chuỗi giá trị để đạt được tỉ suất lợi nhuận cao hơn. “10 năm trước, ngành dệt may đã mở rộng tại Việt Nam trong xu hướng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc khi ấy. Giờ đây, cơ hội được trao cho ngành điện tử”, Tiến sĩ Frederic nói. Ông cho rằng doanh nghiệp nên mở rộng sang sản xuất trong chuỗi giá trị, ví dụ màn hình, thay vì chỉ lắp ráp như hiện nay.
Sự dịch chuyển trong ngành năng lượng sang năng lượng tái tạo cũng tạo ra cơ hội phát triển cho một số lĩnh vực, trong đó có ngành sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời. Tiếp đến, ngành hóa chất và ngành dược phẩm cũng là những ngành tiềm năng.
Tuy nhiên, một điểm yếu tại Việt Nam là thiếu nhân sự có kỹ năng. Tiến sĩ Frederic cho rằng đây là cơ hội đầu tư cho giáo dục và tất cả các bên liên quan từ Nhà nước, trường học cho đến doanh nghiệp đều có trách nhiệm trong việc đào tạo nhân sự có năng lực. Mặt tốt của điểm yếu này là nhà đầu tư vẫn thấy khả năng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và họ vẫn đầu tư vào Việt Nam.