Ảnh: VNB.
Hai doanh nghiệp dệt may hưởng lợi rõ nhất từ Hiệp định EVFTA
Nghị viện Châu Âu đã chính thức thông qua Hiệp định EVFTA ngày 12/2, và như dự kiến, Hiệp định cần và có khả năng cao được Quốc hội Việt Nam phê duyệt vào tháng 5 tới đây trước đi có hiệu lực.
EVFTA được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của cả hai bên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và EU dự kiến tăng thêm lần lượt 15 tỷ EUR và 8,3 tỷ EUR vào 2035.
Theo lộ trình cắt giảm thuế quan, hầu hết các sản phẩm sợi, vải sẽ được miễn thuế ngay lập tức trong khi hàng may mặc sẽ giảm dần về 0% trong 6-8 năm. Từ đó, hàng may mặc Việt Nam ngày càng rút ngắn khoảng cách với Bangladesh (0%), và lợi thế hơn so với Trung Quốc (12%), trong khi chính sách ưu đãi thuế cho Cambodia (0%) đang bị ngưng do các vi phạm quyền lao động thời gian gần đây.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tác động từ EVFTA trong ngắn hạn là tương đối do khả năng tự chủ nguyên vật liệu là hạn chế trong khi EVFTA đòi hỏi quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”. Đồng thời, việc cắt giảm thuế quan với hàng may mặc diễn ra theo lộ trình. Vì vậy, điểm sáng EVFTA chỉ thật sự mang đến cơ hội cho những doanh nghiệp có năng lực tự chủ nguyên vật liệu cũng như tệp khách hàng EU lớn.
Theo quan điểm của BVSC, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) và CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) là 2 doanh nghiệp hưởng lợi rõ nhất từ hiệp định này.
Theo lý giải của BVSC, đây là 2 doanh nghiệp có khả năng tự chủ về nguyên vật liệu cũng như sở hữu tệp khách hàng EU lớn. Cụ thể, đối với TNG, EU là thị trường lớn nhất, chiếm 54% doanh thu.
Nguồn: NCĐT tổng hợp. |
Về kết quả kinh doanh, trong 3 năm trở lại đây, TNG luôn ghi nhận hàng trăm tỷ đồng lãi sau thuế mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận đạt bình quân hơn 42% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2019.
Tính riêng năm 2019, TNG ghi nhận gần 230,8 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng hơn 28% so với năm 2018. TNG cho biết kết quả này đạt được do việc tăng năng suất của các nhà máy và chính sách tiết giảm chi phí của Công ty.
Nguồn: NCĐT tổng hợp. |
Còn đối với TCM, hiện tại EU chỉ đóng góp khoảng 5% doanh thu may nhưng việc có thể tự chủ 60-70% nguyên vật liệu sản xuất giúp TCM có thể đáp ứng quy tắc xuất xứ EVFTA.
Về kết quả kinh doanh, mức độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trong giai đoạn 2016-2018 đạt hơn 50% mỗi năm. Tuy nhiên, đến năm 2019, TCM lại ghi nhận sự sụt giảm về kết quả kinh doanh, cụ thể là lãi sau thuế.
Cụ thể, năm 2019, TCM ghi nhận gần 216,9 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm hơn 16% so với năm 2018. Điều này đến từ việc năm 2018, TCM có phát sinh khoản thu nhập khác hơn 74,8 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lại không phát sinh khoản thu nhập này.
Có thể thấy, hiệp định EVFTA sẽ có tác động tích cực đến ngành dệt may. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi.