Hai điểm đáng chú ý trong vụ sáp nhập MHB vào BIDV
Ngày 17/4, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) lần lượt tổ chức đại hội đồng cổ đông. Điểm chung và cùng được giới đầu tư chú ý là kế hoạch sáp nhập.
Thông tin sáp nhập MHB vào BIDV không còn mới, kết quả đại hội hai bên cũng dễ đoán từ trước. Và tiến độ sáp nhập hai ngân hàng này diễn ra rất nhanh.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, tuyên bố tại đại hội, thương vụ sáp nhập MHB sẽ hoàn tất vào 25/5/2015, là vụ sáp nhập nhanh nhất từ trước tới nay.
Rất nhanh, theo so sánh với tiến độ triển khai kế hoạch sáp nhập các ngân hàng khác đang diễn ra. Tốc độ này là kết quả của sự thuận lợi và gần như không mấy trở ngại, nhất là khi cổ đông lớn của hai bên đều là nhà nước, cùng chiếm trên 90%.
Nhưng, rất nhanh cũng là một tốc độ đáng chú ý khi đặt trong sự lường tính của nhà đầu tư và cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn sự bất đối xứng thông tin.
Cho đến ngày diễn ra đại hội, nhiều người vẫn chưa nắm được thông tin cơ bản về đề án sáp nhập, các dữ liệu cần thiết, đặc biệt là về vấn đề định giá để gắn với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu - lợi ích sát sườn của họ và cũng là điểm thể hiện tính thị trường và tính chuyên nghiệp nhất trong kế hoạch này.
Đầu tháng 4 vừa qua, MHB có đưa ra thông tin trong tài liệu trình đại hội, nhưng rồi nhanh chóng gỡ bỏ. Về phía BIDV, thị trường chính thức biết đến qua phát ngôn của ông Trần Bắc Hà ít ngày trước thềm đại hội.
Thứ nữa, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu luôn quan trọng trong các thương vụ sáp nhập. Nhưng cơ sở để đưa ra tỷ lệ 1:1 như thế nào, định giá cụ thể và tính hợp lý của nó như thế nào để thuyết phục cổ đông, nhà đầu tư, hiện không mở rộng ở thông tin chi tiết.
Thông tin giải thích chỉ chung chung: ban lãnh đạo BIDV thấy rằng, hoạt động của MHB đang rất ổn định, mặc dù không bằng BIDV nhưng giá trị sổ sách về giá cổ phiếu của hai ngân hàng là tương đương nhau. Đây là lý do hai bên quyết định đưa ra tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1.
“Dù không bằng BIDV”, nói vậy liệu có phần cảm tính hay không khi gắn với việc xác định tỷ lệ hoán đổi nói trên?
Trao đổi với VnEconomy, nhà đầu tư Trần Tiến Dũng, người đã 15 năm gắn bó trên thị trường chứng khoán cũng cảm thấy có phần hơi khó hiểu.
Ông Dũng cho rằng, việc sáp nhập MHB vào BIDV là chủ trương đúng của Ngân hàng Nhà nước để sắp xếp gọn lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Nhưng việc thực hiện cụ thể với tỷ lệ hoán đổi nói trên có phần chưa thuyết phục ở thông tin công bố một cách cụ thể.
“Tôi thấy hơi khó hiểu. Đánh giá cơ bản thì thấy MHB kém hơn BIDV, nên việc đổi ngang cổ phiếu như vậy nhà đầu tư và cổ đông BIDV sẽ thiệt hơn. Nếu tôi là cổ đông của BIDV, chắc chắn tôi sẽ phản đối tỷ lệ này”, ông Dũng chia sẻ quan điểm.
Dù có những quan điểm, góc nhìn và đánh giá khác nhau, nhưng khi trả lời VnEconomy, chuyên gia chứng khoán Huy Nam kết luận: “BIDV hay MHB thì cũng là ta cả. Cũng đều là của nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối và có vẻ như không có mất mát ở đây”.
Thế nhưng, chuyên gia này nhìn nhận, qua thương vụ này, lại có thêm một trường hợp nữa trong nhiều trường hợp đã có thời gian qua: tiếng nói của cổ đông nhỏ lẻ rất hạn chế.
Theo ông Huy Nam, họ vẫn ở tình thế “thấp cổ bé họng”, niềm tin và tinh thần của họ cứ bị thử thách lần này đến lần khác, rồi phải chịu.
Nhìn sang một thực tế khác cũng diễn ra trong ngày 17/4, đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), chuyên gia Huy Nam lưu ý ở chi tiết: Hội đồng Quản trị Nam A Bank nói muốn chia cổ tức 9% cho cổ đông nhỏ lẻ, 4% cho cổ đông lớn nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Ý của chuyên gia này là, lâu nay mới thấy được một trường hợp lợi ích của cổ đông nhỏ lẻ được quan tâm và đề cao cụ thể như vậy.
Còn về thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV bằng đổi ngang cổ phiếu với tỷ lệ 1:1, điều ông Nam quan tâm vẫn là vai trò và tiếng nói của cổ đông nhỏ lẻ, cũng như việc bảo vệ lợi ích và niềm tin của họ.
“Tôi chỉ đặt vấn đề rằng, việc sáp nhập với tỷ lệ đó tốt cho cả đôi bên thì rất khó. Nếu MHB có lợi thì BIDV bất lợi, hoặc ngược lại. Mức độ của sự bất lợi đó tùy thuộc vào sự pha loãng của nó. Dù phần lớn là của nhà nước, nhưng cũng có các cổ đông nhỏ lẻ ở đây”, ông Nam nói.
BIDV có quy mô vốn điều lệ 28.112 tỷ đồng, trong khi MHB chỉ gần 3.400 tỷ đồng, sự pha loãng là đáng kể.
Cả hai ngân hàng này đều đang có hoạt động ổn định, nên dự kiến sau khi sáp nhập sẽ không có nhiều xáo trộn.
Và qua thương vụ này, BIDV có điều kiện để một bước bằng 7 năm trong khả năng mở rộng và phát triển mạng lưới, theo tính toán mà ông Trần Bắc Hà đưa ra; có thêm cơ sở khách hàng của MHB, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trong lĩnh vực nông nghiệp…
Nguồn VnEconomy