HAGL tìm được chiếc phao "vốn hóa nợ"
Chiếc phao cứu sinh cho tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã lộ diện. Cùng với giá cao su phục hồi khá mạnh, các chủ nợ quan trọng của Tập đoàn đang xem xét việc chuyển đổi các khoản nợ thành vốn cổ phần với quy mô lớn. Nhưng liệu chúng có giúp Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức lật ngược thế cờ?
Chủ nợ đồng loạt hỗ trợ
Một trong những trái chủ đồng ý chuyển đổi nợ thành vốn cổ phần tại HAGL là Temasek khi chấp thuận chuyển đổi 200 tỉ đồng trái phiếu HAGL thành cổ phần tại công ty con là Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG). Với giá chuyển đổi trái phiếu bằng mệnh giá và giá thị trường của HNG đang dao động ở mức trên dưới 9.000 đồng, Temasek có thể sẽ phải ghi nhận một khoản lỗ ngay khi thực hiện chuyển đổi lô trái phiếu này. Nhưng đổi lại, nhờ tính thanh khoản của thị trường cổ phiếu lớn hơn trái phiếu, quỹ đầu tư này có thể thoái vốn dễ dàng hơn, thay vì tiếp tục nắm giữ trái phiếu. Không chỉ có Temasek, HNG cũng đang trình cổ đông tờ trình chấp nhận chủ trương chào bán cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi các khoản nợ cho những chủ nợ khác. Chi tiết về quy mô và thông tin về giá chuyển nhượng chưa được công bố cụ thể vào thời điểm này.
Song hành với chủ trương hoán đổi nợ thành cổ phiếu, tin vui còn đến với ông Đức khi những chủ nợ khác như các công ty chứng khoán ACB, FPTS, VPBS, BSC và Ngân hàng BIDV đồng ý kéo dài thêm thời gian đáo hạn của gần 12.000 tỉ đồng nợ thêm 2-6 năm nữa. Tính đến cuối năm 2016, tổng các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của HAGL đã lên tới 1,2 tỉ USD, tạo nhiều áp lực lên khả năng thanh toán của Tập đoàn, góp phần không nhỏ gây ra khoản lỗ ròng sau thuế 1.414 tỉ đồng khi kết thúc năm.
Temasek mở ra một giải pháp tài chính cho HAGL khi chuyển đổi 200 tỉ đồng trái phiếu thành cổ phần tại HNG. Ảnh: businesstimes.com.sg |
Thực tế, các chủ nợ của HAGL, nhất là các ngân hàng, cũng sẽ thở phào phần nào bởi một khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật vốn hóa nợ vay, tỉ lệ nợ quá hạn của HAGL tại các ngân hàng cũng sẽ giảm theo. Không chỉ có HAGL, khá nhiều doanh nghiệp khác đang trông chờ vào “chiếc đũa thần” “vốn hóa nợ vay” để có thể thoát khỏi vũng lầy về tài chính, nhận được thêm nguồn vốn mới để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh.
Đơn cử như vào cuối năm 2014, VietinBank từng xin được chấp thuận chuyển đổi toàn bộ 5.000 tỉ đồng thành vốn cổ phần trong các đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Nhưng ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như Ngân hàng SHB chuyển nợ vay thành vốn cổ phần tại Thủy sản Bình An (Bianfishco), cho đến nay, hoạt động tài chính này chưa mấy phổ biến, bởi các ngân hàng vẫn đang trông chờ nghị định mới hướng dẫn chi tiết việc vốn hóa nợ vay ngân hàng thành cổ phần từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Bài học Bianfishco & Gỗ Trường Thành
Nhu cầu chuyển đổi nợ thành vốn cổ phần là có thật, thậm chí còn khẩn cấp hơn khi Ngân hàng Nhà nước vừa mới ban hành Thông tư 39, trong đó cấm các ngân hàng thực hiện nghiệp vụ đảo nợ đối với các khoản nợ thuộc diện quá hạn của khách hàng. Nhưng bên cạnh một số trường hợp thành công (đa phần là các trường hợp doanh nghiệp nhỏ, vốn vay ít), việc chuyển đổi nợ vay thành vốn cổ phần thực tế mang lại nhiều rủi ro cho chính các chủ nợ, giống như bài học của Bianfishco hay Gỗ Trường Thành.
Vào năm 2012, SHB đã chấp nhận chuyển đổi khoản cho vay để nắm 50% cổ phần của Bianfishco. Tuy vậy, các hoạt động tái cấu trúc sau đó không mấy hiệu quả. Công ty thủy sản này tiếp tục lún sâu vào các khoản thua lỗ (lũy kế lên đến 2.543 tỉ đồng tính đến năm 2014). Báo cáo của kiểm toán viên vào năm 2015 còn nghi ngờ khả năng tiếp tục hoạt động liên tục của Công ty, cũng như không thể xác định được giá trị hợp lý của trị tài sản còn lại. Cũng trong năm này, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB, đã rời bỏ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bianfishco.
Hay như mới đây là trường hợp của Gỗ Trường Thành. Trái chủ của Công ty đã ngay lập tức ngừng việc chuyển đổi 1.202 tỉ đồng nợ thành vốn cổ phần do phát hiện các khoản mất mát lớn về hàng tồn kho. Thông tin kém minh bạch giữa chủ nợ và con nợ sẽ là một trong những rào cản cho việc chuyển đổi nợ thành vốn cổ phần, bởi thông thường chủ doanh nghiệp là người nắm rõ tình hình hoạt động hơn các nhà đầu tư.
Hãy quay trở lại câu chuyện của HAGL. Thách thức dành cho các chủ nợ trong việc phải thẩm định lại tài sản trước khi quyết định vốn hóa nợ vay, lập kế hoạch tái cấu trúc và dự báo được triển vọng kinh doanh của tập đoàn này trong tương lai. Ngược lại, các cổ đông hiện hữu cũng bày tỏ lo ngại về khả năng cổ phiếu sẽ bị pha loãng, một khi doanh nghiệp này quyết định phát hành thêm cổ phiếu để chuyển đổi lượng lớn các khoản nợ. Việc cân bằng lợi ích của các cổ đông và duy trì hoạt động của doanh nghiệp sẽ là bài toán không dễ cho ông Đoàn Nguyên Đức.
Bên cạnh tái cấu trúc các khoản nợ, HAGL cũng sử dụng công cụ “spin off”, loại bỏ các mảng kinh doanh không hiệu quả để cải thiện lợi nhuận cho doanh nghiệp, đồng thời giảm được nợ vay. Trong kế hoạch này, các dự án thủy điện bên Lào và mía đường dự kiến sẽ hoàn thành việc chuyển nhượng cho các đối tác khác vào quý I năm nay. Một tin vui cho ông Đức là mảng cốt lõi cao su đang có dấu hiệu tích cực hơn. Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo đã tăng hơn gấp đôi từ giữa năm 2016 đến nay nhờ nhu cầu tiêu thụ ô tô của Trung Quốc tăng trở lại. “Khi đợt cạo mủ đầu tiên năm 2017 được thực hiện vào tháng 5, với mức giá thế giới đang liên tục tăng, mảng hoạt động này dự kiến sẽ đem lại kết quả khả quan”, ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc HAGL, cho biết.
Hơn nữa, những doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như HAGL có thể sẽ thuộc diện nhận hưởng lợi từ gói hỗ trợ tín dụng trị giá 100.000 tỉ đồng dành cho ngành nông nghiệp mà Chính phủ đang có kế hoạch triển khai. 2017 xem ra có thể là năm bản lề cho công cuộc tái cấu trúc của Tập đoàn HAGL.
Nam Minh