HAGL 'đối mặt' cạnh tranh khốc liệt tại Myanmar
Myanmar - mảnh đất địa ốc-du lịch giàu tiềm năng
Suốt gần năm thập kỷ nằm trong tình trạng cô lập dưới sự cai trị của chính quyền quân phiệt và gánh chịu những biện pháp cấm vận kinh tế của Mỹ và Châu Âu, Myanmar đang tụt hậu so với các nước khác ở Đông Nam Á trong lĩnh vực khách sạn.
Theo tập đoàn bất động sản Savills của Anh, số lượng phòng khách sạn ở thành phố đông dân nhất Myanmar – Yangon chỉ bằng 1/20 tổng số phòng khách sạn ở Hồng Kông, 1/8 ở Kuala Lumpur và 1/4 ở thành phố Hồ Chí Minh.
Mặt khác, kể từ khi Myanmar tiến hành dân chủ hóa đất nước và tự do hóa kinh tế vào mùa xuân năm 2011 dưới thời Tổng thống Thein Sein, số lượng du khách quốc tế tới Myanmar tăng vọt. Theo thống kê, lượng khách quốc tế tới Myanmar trong năm 2013 tăng 100% so với năm 2012.
Trong khi đó, hệ thống phòng ốc của các khách sạn ở Myanmar lại rất khan hiếm và đắt đỏ, không đáp ứng được nhu cầu ngày cao của du khách. Hiện nay, các khách sạn từ 4 sao trở lên ở Yangon có giá trung bình 200-300 USD/đêm, cao gấp 5-6 lần so với ba năm trước. Một quan chức của cơ quan du lịch địa phương cho biết, giá phòng khách sạn tại Myanmar cao gần gấp đôi so với giá phòng ở Bangkok và ngang hàng với Tokyo và Singapore – hai thành phố có giá phòng khách sạn đắt nhất châu Á.
Nhìn chung, các khách sạn ở Đông Nam Á đều rơi vào cảnh ‘ế phòng’ và phải đồng loạt giảm giá khi mùa mưa đến. Tuy nhiên, xu hướng này dường như không xảy ra ở Yangon. Mặc dù chỉ còn một tháng nữa là đến mùa mưa, nhưng các khách sạn ở thành phố đông dân nhất Myanmar vẫn rất đông khách, tỷ lệ kín phòng lên tới hơn 80%. Lợi dụng điều này, nhiều khách sạn lớn ở Yangon đồng loạt tăng giá phòng lên 10-20%. Trong khi đó, nhiều khách hàng Nhật Bản phàn nàn rằng “Dịch vụ (của các khách sản ở Myanmar) rất tệ. Ở Bangkok, dịch vụ cũng khá tốt nhưng giá phòng chỉ bằng một nửa ở Myanmar”.
Cuộc đối đầu trong tương lai gần
Hiện nay, chính phủ Myanmar đang lên kế hoạch phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Chớp thời cơ, nhiều công ty xây dựng ở Myanmar tiến hành mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực khách sạn trong những năm gần đây. Theo Tổ chức Thống kê Trung ương Myanmar, các công ty trong nước đầu tư hơn 400.000 USD vào ngành khách sạn-du lịch trong năm tài khóa 2011, nhưng hoạt động đầu tư nước ngoài lại khá im ắng.
Tuy nhiên, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp không khói của Myanmar trong năm tài khóa 2013 tăng đột biến đạt 432,11 triệu USD, và vốn đầu tư nội địa đạt 343 triệu USD. Theo nhận xét của các công ty xây dựng trong nước, “thủ tục cấp phép sẽ được nới lỏng. Điều này sẽ thúc đẩy sự lớn mạnh của lĩnh vực địa ốc khách sạn tại Myanmar”.
Tại Yangon đang diễn ra cuộc chạy đua giữa các công ty bất động sản thuộc các tập đoàn châu Á. Yankin Township - một trong những khu phố thương mại lớn nhất ở Yangon đang chứng kiến sự đổi thay từng ngày của các toà nhà chọc trời. Một trong số đó thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Được biết, HAGL sẽ cho ra mắt khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn (với hơn 500 phòng) trị giá 400 triệu USD vào cuối năm nay.
Tại một khu vực khác, công ty bất động sản Keppel Land thuộc Tập đoàn Keppel Corporation - một trong những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất Singapore, đang lên kế hoạch mở rộng khách sạn Sedona Hotel Yangon, bằng việc xây mới thêm 420 phòng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016.
Trước đó, công ty Hong Kong and Shanghai Hotels (HSH), hãng điều hành chuỗi khách sạn The Peninsula hồi tháng 3 tuyên bố sẽ mở rộng đầu tư vào Yangon.
Thành phố Yangon hiện có khoảng 3.000 phòng khách sạn đạt tiệu chuẩn 3-4 sao. Dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2017.
Tại Naypyitaw ngày 1/4 vừa qua, Tập đoàn Pan Pacific Hotels Group (PPHG) (Singapore) đã chính thức khai trương khách sạn nước ngoài hạng sang đầu tiên ở thủ đô Myanmar. CEO Olaf Schroeder nhận định, lĩnh vực kinh doanh khách sạn ở Myanmar sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Dự án chuỗi khách sạn quốc tế trên nhằm thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ của Pan Pacific Hotels Group ở Myanmar.
Nguồn Seatimes