Ngọc Thủy Thứ Ba | 08/11/2016 07:30

Habeco: Hấp lực và trở lực

Khoảng 9.000 tỉ đồng vốn nhà nước ở Habeco sẽ được bán ra thị trường. Ai sẽ là người tham gia nhận chuyển nhượng?

Sau 8 năm cổ phần hóa và nhiều lần trễ hẹn, cuối cùng cổ phiếu BHN của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã chính thức niêm yết trên sàn Upcom từ 28.10. Đây là thông tin được chờ đợi từ lâu nên ngay khi mới chào sàn, Habeco đã tạo được sức hút mạnh mẽ. Bên mua đặt lệnh ồ ạt trong khi bên bán trắng bảng.

Ở những phút đầu tiên ra mắt, tuy giá tham chiếu là 39.000 đồng/cổ phiếu nhưng hầu hết lệnh mua BHN đều với giá trên 50.000 đồng/cổ phiếu. Những ngày sau đó, cổ phiếu BHN vẫn “cháy hàng” và liên tục tăng trần, đẩy giá sau  4 phiên giao dịch chạm ngưỡng 82.900 đồng/cổ phiếu (2.11), tức tăng 112%.

Habeco được giới đầu tư săn lùng vì đây là một trong hai hãng bia nội lớn nhất của Việt Nam. Habeco cùng với Sabeco hiện chia nhau khoảng 60% thị phần bia cả nước. Theo nghiên cứu mới đây của Nielsen, bia là một trong những ngành kinh doanh hấp dẫn nhất tại Việt Nam. Dù tốc độ tăng trưởng của ngành đồ uống chững lại đáng kể, nhưng riêng bia vẫn tăng trưởng ấn tượng, thường xuyên ở mức 13% kể từ quý III năm ngoái và hiện vẫn tăng trưởng khá cao với 9,2%. Tiềm năng thị trường bia được dự báo sẽ còn tiếp tục khi Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á và nằm trong top 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới.

Với đặc điểm đó, kinh doanh của Habeco khá khả quan. Theo báo cáo của Công ty, năm 2014 và 2015, Habeco đều ghi nhận kinh doanh tăng trưởng, với doanh thu hơn 9.000 tỉ đồng, còn lợi nhuận sau thuế 850-900 tỉ đồng. Đặc biệt, nếu xét hiệu quả làm ăn, biên lợi nhuận gộp của Habeco không kém cạnh bất cứ doanh nghiệp bia nào, luôn quanh ngưỡng 27%.

Yếu tố hấp dẫn từ Habeco còn ở thương hiệu dẫn đầu trong ngành đồ uống có cồn. Có thể kể đến các nhãn hiệu của Habeco như bia Trúc Bạch (nay là bia lon Hà Nội), Beer Premium, Lager Beer...

Habeco: Hap luc va tro luc
 

Sức lôi cuốn của Habeco còn liên quan đến quỹ đất vàng mà doanh nghiệp này đang quản lý, trải dài qua nhiều tỉnh thành phía Bắc. Trong đó, có những vị trí Habeco sở hữu cực kỳ giá trị như “khu đất vàng” rộng gần 50.000m2 tại 183 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội. Theo thông tin Habeco đã công bố, định giá của riêng khu đất này đã lên tới 2.308 tỉ đồng. Công ty cũng quản lý, sở hữu hàng trăm ngàn mét vuông đất ở Vĩnh Phúc, ở Khu Công nghiệp Tiên Sơn - Bắc Ninh, ở Hưng Yên, Phú Thọ... Giá trị các khu đất này đều rất lớn. Vì thế, trong lộ trình thoái vốn nhà nước khỏi Habeco, theo yêu cầu của Thủ tướng, phải tách giá trị quyền sử dụng đất của Habeco ra riêng. Dù vậy, với giới đầu tư, đất đai ở Habeco vẫn mang sức hấp dẫn khó cưỡng.

Theo kế hoạch, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 81,79% vốn điều lệ ở Habeco trong năm nay. Như vậy, khoảng 9.000 tỉ đồng vốn nhà nước ở Habeco sẽ được bán ra thị trường. Ai sẽ là người tham gia nhận chuyển nhượng?

Trong khi hàng loạt các nhà đầu tư như Heineken, Ab-Inbev, SABMiller, Asahi, Singha... đều đánh tiếng muốn thâu tóm, giành quyền chi phối ở Sabeco thì tại Habeco, chỉ mỗi Carlsberg bày tỏ ý định đầu tư vào doanh nghiệp này.

Carlsberg có lý do để dấn bước sâu vào Habeco. Thứ nhất, tập đoàn này hiện nắm giữ 17,08% cổ phần ở Habeco. Khi Nhà nước tiến hành thoái vốn khỏi Công ty, với lợi thế là cổ đông chiến lược, Carlsberg chắc chắn sẽ nhận được những ưu tiên trong tham gia đấu giá.

Carlsberg muốn gia tăng sở hữu ở Habeco vì chỉ cần mua thêm khoảng 35-40% vốn, Tập đoàn đã nắm chắc quyền chi phối tại đây. Khi đó, cùng với thị phần 10% của mình và ở vị thế thứ 4 trong ngành, kết hợp với 20% thị phần từ Habeco, Carlsberg đủ sức tương đầu với Heineken và Sabeco.

Những nhà đầu tư khác nếu muốn dòm ngó đến Habeco sẽ gặp nhiều trở ngại hơn. Họ sẽ phải bỏ tiền nhiều hơn Carlsberg nếu muốn trở thành cổ đông lớn nhất và nắm quyền quyết định tại Habeco. Cả khi như thế, họ vẫn bị lép vế bởi sự hiện diện của Carlsberg tại Habeco. Dù Carlsberg có thất bại trong cuộc đua giành quyền chi phối ở Habeco thì với 17,08% cổ phần, Carlsberg vẫn có thể kích hoạt những xung đột, mâu thuẫn lợi ích nhóm cổ đông (nếu muốn) ở Habeco.

Habeco: Hap luc va tro luc
 

Đây là điều mà bất cứ ai, ngoài Carlsberg khi muốn đặt chân vào Habeco, đều phải tính đến. Có lẽ vì thế giới đầu tư trở nên e ngại. Trong bối cảnh đó, một Habeco thuộc Carlsberg là kịch bản có thể xảy ra. Nhưng theo ghi nhận chung, câu chuyện này sẽ chưa xảy ra ngay, bởi Habeco vẫn chưa muốn buông tay và câu chuyện Carlsberg gia tăng sở hữu ở công ty bia nội này vẫn còn bỏ ngỏ.

Trước mắt, sức hấp dẫn của Habeco đang có phần lung lay do Công ty còn kém cạnh khá nhiều khi đặt lên bàn cân so sánh với Sabeco. Có thể thấy, trong khi Sabeco vẫn duy trì được vị thế dẫn đầu ngành bia suốt hàng thập niên qua thì Habeco đã đánh mất vị thế thứ 2 vào tay Heineken, chỉ còn nắm 20% thị phần.

Không chỉ vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu lẫn lợi nhuận sau thuế của Habeco đều suy giảm khá mạnh, với mức giảm lần lượt 13% và 41% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Sabeco vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Habeco đã không thể thắng được đối thủ Heineken dù rằng nửa đầu năm 2016 là thời điểm thuận lợi để tăng tốc trên thị trường bia. Đó là yếu tố mùa hè kéo dài và tác động tích cực từ World Cup. Nhưng Công ty đã không tận dụng được và vẫn bị Heineken vượt qua.

Theo nhận định của ban lãnh đạo Heineken, năm 2016 sẽ có nhiều khó khăn hơn, do chính sách thuế đối với ngành bia, chính sách giá cả và sự cạnh tranh từ các sản phẩm cùng loại. Vì thế, Habeco đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ bia năm 2016 chỉ tăng 5% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm mạnh, chỉ bằng 42% so với năm trước.

Công ty cho biết sẽ nỗ lực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đầu tư máy dán nhãn Sticker cho dây chuyền chai số 1 tại nhà máy bia, đầu tư hệ thống chiết Keg 2 lít, đầu tư nhà máy bia công suất 25 triệu lít... Habeco hiện có khoảng 4.000 tỉ đồng tiền mặt và các khoản đầu tư nắm giữ ngắn hạn để thuận lợi cho đầu tư.

Thế nhưng, nói như ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, ngoài cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần có chiến lược tìm hiểu sâu thị hiếu tiêu dùng để cung cấp những sản phẩm phù hợp và tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực. Có như vậy doanh nghiệp mới tăng sức cạnh tranh và đạt được lợi ích tối đa.

Ngọc Thủy