Hạ trần lãi suất tiền gửi: USD vẫn nóng!
Ngân hàng Nhà nước vừa có bước đi được đánh giá là khá bất ngờ khi giảm trần lãi suất tiền gửi USD về mức 0%/năm đối với các tổ chức kinh tế và giảm từ 0,75% về mức 0,25% đối với cá nhân. Tuy vậy, hầu hết các chuyên gia đều tin rằng đây là một bước đi tất yếu trong nỗ lực giảm sức mạnh của đồng USD trên thị trường Việt Nam.
Bên cạnh những giải pháp hạn chế mua bán USD ngoài thị trường và tín dụng ngoại tệ, lãi suất tiền gửi USD là một công cụ quan trọng trong chính sách chống đô la hóa của Ngân hàng Nhà nước. Quan điểm của cơ quan quản lý này là sẽ chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang mua bán ngoại tệ, đồng nghĩa với việc các cá nhân, tổ chức sẽ không còn gửi hay vay ngoại tệ mà là mua đứt, bán đoạn.
Chính vì vậy mà động thái giảm lãi suất tiền gửi USD được xem là bước đi tất yếu. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quyết định cắt giảm lãi suất USD đã nằm trong tính toán từ trước của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng ANZ cũng nhận định đây là dấu hiệu của chính sách chống đô la hóa. “Trong khi trần lãi suất ngắn hạn đối với tiền đồng giữ nguyên ở mức 5,5% thì động thái vừa qua rõ ràng cho thấy các nhà điều tiết đang theo đuổi chính sách chống đô la hóa”, ANZ nhận định.
Hiện tại, lãi suất tiền gửi USD thấp hơn rất nhiều so với mức lãi suất tiền đồng (quanh mức 6%/năm), đồng nghĩa với việc nắm giữ tiền đồng có lợi hơn rất nhiều.
Chính sách áp trần lãi suất tiền gửi bằng USD |
Ngoài việc nằm trong lộ trình chống đô la hóa, mục tiêu chính của đợt điều chỉnh này còn nhằm giảm áp lực lên tỉ giá. Thời gian vừa qua, áp lực lên tiền đồng mạnh lên thấy rõ. USD tăng giá so với tiền đồng rất nhiều và vượt quá mức kỳ vọng của cơ quan quản lý hồi đầu năm. Cho đến nay, tỉ giá VND/USD đã tăng 5%, chưa kể biên độ tỉ giá được nới rộng từ mức 1% lên mức 3%.
Tiền đồng giảm giá, kết hợp với áp lực tăng giá hiện hữu của USD đã khiến cho nhu cầu nắm giữ ngoại tệ tăng lên, theo nhận định của HSBC Việt Nam. “Thực tế cho thấy, sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách tỉ giá vào ngày 11.8.2015 và Ngân hàng Nhà nước phải nới rộng biên độ và điều chỉnh tỉ giá bình quân, tình trạng doanh nghiệp và người dân muốn giữ USD có tăng lên do kỳ vọng có điều chỉnh tỉ giá trong 3 tháng cuối của năm”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết.
Do đó, có thể nói chính sách này là một nỗ lực giảm sự dịch chuyển trên. “Trong trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước đã mượn công cụ của chính sách tiền tệ để theo đuổi mục tiêu tỉ giá”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nhận định. Theo ông Tuấn, chính sách này sẽ giúp cho Ngân hàng Nhà nước giảm áp lực lên tỉ giá, ít nhất là từ nay cho đến cuối năm, nhất là khi không gian điều chỉnh tỉ giá đã không còn.
Dù vậy, điều thị trường lo ngại là những ảnh hưởng tiếp theo sau động thái này. Theo kỳ vọng của cơ quan quản lý, khi lợi ích nắm giữ USD giảm đi, đồng USD sẽ lại được đưa về hệ thống ngân hàng, khiến cho thanh khoản dồi dào hơn và giảm áp lực lên tỉ giá. Tuy nhiên, cuộc chiến này sẽ còn nhiều khó khăn.
Thứ nhất, mức giảm trần lãi suất này là nhỏ. Không có gì đảm bảo doanh nghiệp và cá nhân sẽ vì mức giảm 0,25 điểm phần trăm mà chuyển USD sang tiền đồng. Dù cho lãi suất tiền đồng hấp dẫn hơn nhiều, nhưng người giữ USD trong hiện tại có nhiều lý do khác nhau: tự bảo vệ mình trước biến động của tiền đồng, tự giữ nguồn ngoại tệ để thanh toán thay vì phải đi mua khi cần thiết, chứ không chỉ đơn thuần gửi tiền lấy lãi.
Hơn nữa, USD vẫn là loại ngoại tệ số một trên thế giới và thị trường vẫn có nhu cầu nắm giữ. Mặt khác, áp lực đồng USD tăng giá vẫn còn hiện hữu, dù cho kỳ họp tháng 9 vừa qua Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định không tăng lãi suất.
HSBC Việt Nam cho rằng vẫn còn một mối lo khác. Đó là sự dịch chuyển của đồng USD ra khỏi thị trường Việt Nam nếu lãi suất tiền gửi USD thấp hơn so với mặt bằng chung của thế giới. “Khi FED tăng lãi suất, chúng ta cần duy trì mặt bằng lãi suất USD trong nước ở mức hợp lý để đảm bảo lãi suất USD tại Việt Nam không quá thấp so với mặt bằng lãi suất thị trường quốc tế. Điều này sẽ giúp tránh việc khó thu hút vốn vào thị trường Việt Nam hoặc các doanh nghiệp sẽ tìm cách giữ doanh thu xuất khẩu tại nước ngoài”, ông Hải, HSBC Việt Nam, nhận định.
Còn nhìn về trung và dài hạn, ông Tuấn, Fulbright, lại lo ngại áp lực tỉ giá trong tương lai. “Ngân hàng Nhà nước đang “tạm ứng” không gian tỉ giá tương lai để làm tăng thêm không gian tỉ giá trong hiện tại. Khi tương lai đến, áp lực tỉ giá lại nổi lên, bởi vì các vấn đề then chốt của áp lực tỉ giá ở Việt Nam vẫn chưa được giải quyết”, ông nói.
Thanh Phong