Hạ trần lãi suất cho vay: Khó mọi bề
Không phải bỗng dưng mà hầu hết trong các kỳ chất vấn của Quốc hội, diễn đàn, hội thảo chuyên ngành, vấn đề giảm lãi suất tiền vay luôn gây sự chú ý đặc biệt.
Chỉ cần vẫy tay với các "ông lớn"?
Thống kê mới nhất trong tuần qua từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, phổ biến lãi suất VND cho vay ở khối ngân hàng thương mại nhà nước: ngắn hạn 9% - 10%/năm; trung dài hạn 10,5% - 11,5%/năm; còn ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, lần lượt là 9,5% - 10%/năm và 11% - 12%/năm.
So với trần lãi suất huy động được Ngân hàng Nhà nước ấn định từ 18/3/2014 đến nay là 6% thì lãi suất tiền vay như trên được cho là bình thường.
Thậm chí, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên ở khối ngân hàng thương mại nhà nước chỉ còn 7% - 8%/năm; khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng 8%/năm.
Để có được mặt bằng lãi suất tiền vay như nói trên, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành nhiều giải pháp như bơm hút nhịp nhàng trên thị trường mở (OMO); kiểm soát chặt thanh khoản hệ thống; dọn dẹp "chợ" liên ngân hàng theo hướng chỉ cho "nhà giàu" tham gia và đặc biệt là khống chế trần lãi suất huy động ngắn hạn với VND xuống 6%/năm từ 18/3/2014.
Với những biện pháp này nên không có gì lạ khi lãi suất huy động VND các "ông lớn" giảm ở mức khá thấp nhưng ở ngân hàng nhỏ, lãi suất lại cao hơn.
Lấy ví dụ đối với lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn 12 tháng: Vietcombank ở mức 6%/năm, BIDV (6,5%/năm), Techcombank (6,6%/năm), nhưng ở các ngân hàng nhỏ, lãi suất lại cao hơn: Kienlongbank (7,6%/năm), Vietbank ( 7,7%/năm).
Ở kỳ hạn này, mức chênh lệch lãi suất nói trên còn thấp nhưng ở các kỳ hạn dài, khoảng cách chênh lệch còn lớn hơn nhiều, có khi tới 2,5% - 3,5% giữa các ngân hàng lớn và bé.
Ngoại trừ lãi suất huy động dưới 6 tháng bị Ngân hàng Nhà nước khống chế dưới 6%/năm như nói trên nên các ngân hàng dù "đói vốn" đến mấy cũng không dám vượt trần thì khi so sánh lãi suất giữa các ngân hàng lớn, bé ở các kỳ hạn trên 6 tháng, đã cho thấy: ngân hàng lớn thì lãi suất thấp, ngân hàng nhỏ, lãi suất cao.
Lý do ở đây là những ông lớn đang dẫn dắt cuộc chơi lãi suất do thanh khoản tốt hơn vì nhiều lý do; trong đó, không thể không nhắc tới các cơ hội sử dụng vốn giá rẻ từ tiền gửi ngân sách, bán buôn vốn ODA, được tái cấp vốn giá rẻ khi thực hiện các chương trình tín dụng mang tính chính trị, xã hội.
Liên quan đến một phần thực tế này, Công ty Chứng khoán Tp HCM (HSC) nhận xét: "Ngân hàng Nhà nước có thể cắt giảm lãi suất huy động mà không cần phải điều chỉnh trần lãi suất huy động bằng việc nói chuyện với Vietcombank và BIDV!".
Coi trọng tỷ giá và lạm phát hơn?
Trở lại với câu chuyện Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục giảm lãi suất hay không, tại phiên trả lời chất vấn nợ xấu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói: "Hiện chỉ còn lại duy nhất một mức lãi suất trần huy động 6 tháng là 6%/năm. Đó chỉ là định hướng về lạm phát, còn thực tế đã có nhiều tổ chức tín dụng huy động thấp hơn mức đấy rất nhiều.
Nếu đưa mức lãi suất trần này xuống, ví dụ 5% để phù hợp với diễn biến lạm phát của năm nay thì kỳ vọng lạm phát của chúng ta lại đang mức 6%. Khi chính sách không ổn định thì tạo ra chấp chới, mất niềm tin của nhân dân".
Từ thông điệp này, có thể thấy Ngân hàng Nhà nước không muốn giảm thêm lãi suất, nếu giảm thì cũng ở mức "gọi là cho có". Tại sao vậy?
Trước hết, xét về quan hệ với tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất huy động USD là 1%/năm, thấp hơn lãi suất huy động VND rất nhiều, từ 5%-7%/năm. Đây được cho là nguyên nhân để lực lượng nắm giữ USD bán ra để thu VND về vì có lợi hơn.
Quá trình bán ngoại tệ, ngân hàng thương mại mua lại và bán tiếp cho Ngân hàng Nhà nước đã nâng dự trữ ngoại hối đạt đến mức trên 35 tỷ USD như Thống đốc công bố.
Nếu so mức dự trữ ngoại hối cuối 2011 là 7 tỷ USD, thời kỳ mà quốc gia lâm vào mất thanh khoản cán cân thanh toán tổng thể thì với mức dự trữ ngoại tệ hiện nay, được cho là thắng lợi lớn.
Điểm thứ hai, khi lạm phát kỳ vọng 6% trong năm nay thì về nguyên lý lãi suất thực dương, chí ít lãi suất tiền gửi phải cao hơn 2% trở lên. Ngân hàng Nhà nước đã bám vào nguyên tắc này để bảo vệ nguồn tiền gửi, tạo ra thanh khoản tốt cho hệ thống.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tốc độ tăng trưởng huy động vốn 9 tháng đầu năm xấp xỉ 12%, gần gấp đôi tăng trưởng tín dụng.
Điểm thứ ba, nếu giảm lãi suất tiền vay thì trong ngắn hạn, sẽ ảnh hưởng tức thì tới lợi nhuận ngân hàng. Với quy mô tín dụng gần 3 triệu tỷ đồng, nếu lãi suất tiền vay giảm khoảng 2% thì một lượng lợi nhuận đã rơi khỏi túi các ngân hàng, nhất là trong điều kiện lợi nhuận từ lãi vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cân đối lợi nhuận ở các ngân hàng.
Thực tế này cũng giải thích vì sao HSC nhận định thêm: "Chúng tôi cho rằng, trong khi lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm 0,2% - 0,3% vào những tháng tới thì lãi suất cho vay đã chạm đáy từ quý 2/2014".
Và như vậy, nếu có thể giảm lãi suất thì đó chỉ là sự chiều lòng những ý kiến trái chiều mà thôi?
Nguồn VnEconomy